Bóng đá Việt Nam: Từ nghịch lý đến phi lý

by

in

Chuyện dài nói mãi bao năm qua mà vẫn chưa thay đổi: Số lượng CLB ở V-League luôn nhiều hơn Giải Hạng nhất. Trong khi đó, một điều đã là nguyên tắc ở tất cả lĩnh vực tại mọi quốc gia chứ không riêng gì bóng đá: Chân đế luôn rộng, người càng giỏi, càng tài năng, càng lên cao sẽ càng ít, song với bóng đá Việt Nam thì hoàn toàn khác.

Lộ trình trắc trở

Hội nghị Ban Chấp hành LĐBĐ Việt Nam (VFF) lần thứ 6 khóa IX nhiệm kỳ 2022-2026 mới đây đã quy định: Từ mùa giải 2025-2026, số lượng CLB tham dự Giải Hạng nhất quốc gia là 14. Với quy định này, trong khi Giải Hạng nhất mùa giải 2024-2025 chỉ 12 đội nhưng chỉ sau một năm, số lượng sẽ tăng thêm 2 để bằng với số đội ở V-League.

Quy định tái cấu trúc này cũng chưa đúng với hình tháp của thế giới khi đáy và đỉnh của bóng đá Việt Nam ở mùa giải 2025-2026 trên lý thuyết lại bằng nhau.

Nói trên lý thuyết là vậy song khi đi vào thực tế, bóng đá Việt Nam, cụ thể là Giải Hạng nhất 2024-2025, có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Tại sao?

Tháng 6 vừa qua, Công ty CP Bóng đá Bà Rịa – Vũng Tàu, đơn vị chủ quản Đội Bà Rịa – Vũng Tàu, đã gửi công văn đến UBND tỉnh về việc CLB không tham dự mùa giải 2024-2025 do khó khăn về kinh phí hoạt động; cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ địa phương.

Đến tháng 7, chính xác là ngày 27-7, đến lượt CLB Định hướng Phú Nhuận rơi vào hoàn cảnh tương tự: Khó khăn kinh phí. Cùng ngày, Công ty CP Phát triển Bóng đá Long An, đơn vị chủ quản Đội Long An, cũng gửi công văn trả CLB về cho Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh.

Ngoài ra, Đồng Nai vẫn chưa đăng ký tham dự mùa giải 2024-2025 dù đã quá hạn được Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đưa ra.

Trước thực trạng này, VFF đã quyết định hoãn bốc thăm và xếp lịch thi đấu Giải Hạng nhất quốc gia 2024-2025 dù đã lên lịch vào ngày 2-8. Quyết định này không ngoài mục đích tạo điều kiện cho các CLB Hạng nhất có thêm thời gian hoàn thiện công tác chuẩn bị.

Nhiều cầu thủ có giá trị ảo

Đa số CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ Hạng nhất đến V-League đều khó khăn về nguồn kinh phí hoạt động. Trong khi đó, vài CLB do có nguồn tài trợ dồi dào nên không ngại mua sắm hàng loạt cầu thủ, thậm chí mua với giá cao hơn rất nhiều so với định giá của trang chuyển nhượng quốc tế.

Rõ nhất là Hoàng Đức, Quang Hải chỉ được trang chuyển nhượng quốc tế định giá 400.000 và 350.000 euro – khoảng 11 tỉ và 9,5 tỉ đồng, vậy mà giá trị chuyển nhượng ở trong nước được đẩy lên lần lượt 30 tỉ và 26 tỉ đồng. Dù có giảm 30% từ con số đồn thổi này thì giá ở thị trường bóng đá Việt Nam dành cho Quang Hải và Hoàng Đức vẫn gấp đôi so với thị trường bóng đá thế giới. Một chi tiết càng không thể bỏ qua, đó là vào thời điểm hiện tại, phong độ của 2 cầu thủ này đã sa sút, không còn như thời đỉnh cao vào năm 2022.

Đây mới là sự phi lý ở bóng đá Việt Nam – môi trường chưa kiếm được lợi nhuận nào và chưa có cầu thủ nào thi đấu thành công ở nước ngoài, cho dù chỉ là Thai-League.

Mới năm ngoái, Bùi Hoàng Việt Anh được định giá 16,5 tỉ đồng/3 năm, Nguyễn Văn Toàn 10 tỉ đồng/2 năm, Quế Ngọc Hải 12 tỉ đồng/2 năm, thế mà bây giờ giá cầu thủ Việt Nam tăng phi mã, thậm chí tỉ lệ nghịch với năng lực của họ. Giá tăng càng phi lý hơn khi trong bối cảnh thành tích bóng đá Việt Nam đã và đang sa sút toàn diện trước thất bại liên tiếp từ 2 đội tuyển U16, U19 đến tuyển quốc gia. Còn ở cấp CLB, thành tích các đội bóng Việt Nam cũng rất thấp ở đấu trường AFC.

Từ thực tế này, dễ dàng khẳng định: Cầu thủ Việt Nam đang nhận chế độ (ở đây thường là phí lót tay cho thời hạn hợp đồng nhất định) quá cao so với năng lực và sự cống hiến thật sự. Nói thẳng ra, giá trị cầu thủ Việt Nam là giá trị ảo.

Nhưng lỗi này không thuộc về cầu thủ mà từ phía những người ký hợp đồng với họ. Gọi đơn giản và dễ hiểu hơn là những người này đang “phá giá”. Vài người đã đẩy chi phí hoạt động của các CLB tham dự giải Hạng nhất, V-League tăng vùn vụt trong 2 năm qua; trong khi chi phí ăn, ở, di chuyển gần như ổn định, chỉ khác rất nhiều về hệ thống trong vòng tròn chuyển nhượng với phí lót tay, lương, thưởng được đẩy lên… trời!