Mỹ đưa tên lửa tầm xa đến Đức, lập căn cứ ở Ba Lan

Hai nước cho biết việc triển khai theo từng giai đoạn của Mỹ nhằm chuẩn bị cho các loại tên lửa như SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk và vũ khí siêu thanh đồn trú lâu dài ở châu Âu cũng như cho nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh tầm xa ở khu vực.

Cả Tomahawk và Standard Missile-6 (SM-6) đều do Tập đoàn công nghệ quốc phòng Raytheon (Mỹ) phát triển.

Theo hãng tin Reuters, NATO cũng đã thông báo rằng một căn cứ phòng không mới của Mỹ ở phía Bắc Ba Lan, được thiết kế để phát hiện và đánh chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo như một phần của lá chắn tên lửa rộng lớn hơn của khối này, đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sự sẵn sàng của căn cứ này là một bước quan trọng đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ tên lửa đạn đạo.

Ông Stoltenberg nói: “Là một liên minh phòng thủ, chúng ta không thể bỏ qua mối đe dọa đó. Phòng thủ tên lửa là một yếu tố thiết yếu trong nhiệm vụ phòng thủ tập thể cốt lõi của NATO”. Ông Stoltenberg cũng lưu ý thêm rằng tên lửa đạn đạo đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông.

Theo NATO, hệ thống này có tên gọi là Aegis Ashore, được đặt tại thị trấn Redzikowo, miền Bắc Ba Lan và có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến tầm trung.

Hệ thống phòng thủ này còn bao gồm một cơ sở Aegis Ashore thứ hai ở Romania, cùng với các tàu khu trục của hải quân Mỹ neo đậu tại cảng Rota của Tây Ban Nha và một radar cảnh báo sớm đặt tại thị trấn Kurecik của Thổ Nhĩ Kỳ.

NATO cho biết Aegis Ashore hoàn toàn mang tính phòng thủ và sẽ có khoảng 200 binh sĩ đồn trú tại hai địa điểm đánh chặn ở Ba Lan và Romania.