Ngày 1-8, trong khi giới đầu tư chứng khoán trong nước chưa kịp lấy lại bình tĩnh sau cú sụt giảm mạnh vào tháng 7 vừa qua, họ lại chứng kiến thêm một phiên lao dốc mạnh nhất của thị trường trong vòng 2 tháng trở lại đây. Những cổ phiếu rớt giá 20%-30% trước đó gần như không còn cơ hội quay lại, khiến nhiều người hoảng loạn cắt lỗ.
Cổ phiếu bị bán tháo
Theo dõi diễn biến phiên giao dịch có thể thấy gần như toàn bộ các nhóm ngành đều tác động tiêu cực lên chỉ số, kể cả nhóm cổ phiếu dầu khí được dự báo hưởng lợi nhờ căng thẳng địa chính trị Trung Đông hay nhóm ngân hàng dù đón nhận thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh quý II cũng bị bán mạnh.
Áp lực bán dồn dập ở phiên chiều khiến VN-Index có thời điểm bốc hơi gần 30 điểm. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư nội “tháo chạy” chính là cơ hội để khối ngoại đua nhau gom hàng đã giúp chỉ số kéo lại được một phần điểm số vào cuối giờ. Dù vậy, kết phiên, VN-Index vẫn giảm tới 24,55 điểm (-1,89%) xuống 1.229,96 điểm. Toàn sàn HoSE có 423 mã giảm (34 mã sàn), 45 mã tăng và 38 mã đứng giá.
Trên khắp các diễn đàn, nhà đầu tư không giấu nỗi thất vọng, thậm chí bức xúc khi cổ phiếu của các doanh nghiệp (DN) lãi lớn hay lỗ trong quý II và nửa đầu năm đều giảm mạnh và rất mạnh. “DN lỗ, giá cổ phiếu giảm sàn nhưng DN kinh doanh tốt cũng giảm, thậm chí còn giảm mạnh hơn. Tôi không hiểu nổi” – anh Khánh Minh, một nhà đầu tư ở TP HCM, băn khoăn.
Ngay cả lãnh đạo một số công ty chứng khoán cũng thừa nhận chứng khoán đang “lao dốc” chứ không còn “rung lắc” như những nhận định trước đó. Giám đốc tư vấn của một công ty chứng khoán nói rằng: “Tôi không thấy lý do nào để thị trường giảm mạnh, bởi định giá thị trường thời điểm này không quá cao. Thanh khoản tạm thời giảm do cơ hội đầu tư ít đi nhưng so với các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, vàng, bất động sản… thì chứng khoán vẫn hấp dẫn về mặt tiềm năng, thanh khoản hơn”.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, có thể thị trường đang phản ánh một hiệu ứng tâm lý “tin ra là bán” khi mùa báo cáo tài chính quý II/2024 gần hoàn tất, kỳ vọng của nhà đầu tư về kết quả kinh doanh của DN không còn.
Sau đợt giảm này, thị trường sẽ đánh giá lại dư địa tăng trưởng của cổ phiếu và bắt đầu một chu kỳ đầu tư mới. “Kỳ vọng về câu chuyện tăng trưởng của DN đã được phản ánh vào giá cổ phiếu; nhiều cổ phiếu tăng nóng thời gian trước đã hạ nhiệt… nên xuất hiện áp lực chốt lời. Áp lực đòn bẩy tài chính (margin) góp phần khiến VN-Index lao dốc.
Vừa qua, nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (penny, midcap) trên sàn Upcom tăng mạnh không có lý do nên đã “đổ đèo” giảm mạnh cũng gây ra áp lực bán giải chấp (forcesell) chéo từ các nguồn bên ngoài công ty chứng khoán. Cộng thêm những lo ngại về căng thẳng địa chính trị leo thang… gây tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư” – ông Nguyễn Thế Minh nói.
Bao giờ tạo đáy?
Khảo sát của Báo Người Lao Động sau phiên giao dịch 1-8, điều mà các nhà đầu tư quan tâm lúc này là bao giờ thị trường ngừng rơi hay “tạo đáy” và hồi phục để họ có thể “làm lại danh mục”. Chuyên gia của chứng khoán Yuanta Việt Nam tính toán có thể có 1-2 phiên tới, VN-Index về dưới vùng 1.200 điểm nhưng rất khó giảm sâu thêm. Bởi, xét về kỹ thuật, VN-Index đang rơi vào vùng quá bán.
Ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc khách hàng cao cấp Hà Nội, Công ty Chứng khoán DNSE, phân tích về cơ bản, nội lực của thị trường vẫn rất tốt. Nền kinh tế tăng trưởng tốt, các chỉ số về GDP, lạm phát vẫn khả quan. Thanh khoản bình quân của thị trường đang rất cao so với 2-3 năm trước. Nếu năm 2021, có rất nhiều nhà đầu tư mới (F0) tham gia thì giờ họ cũng đã có kinh nghiệm hơn, kiến thức và kỷ luật cao hơn.
“Nhìn lại trong 10 năm qua, từ năm 2014 tới nay có nhiều năm mức định giá của thị trường (P/E) rất đắt như năm 2017, P/E của VN-Index lên tới 23 lần. Ngược lại có những giai đoạn rất bi quan như thời COVID-19, đại án Vạn Thịnh Phát… P/E về mức rẻ. Hiện tại, P/E cũng đang khá rẻ, có nghĩa là mức sinh lợi sẽ cao” – ông Hoàng nêu.
Nhìn dài hơn, ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, Quỹ Đầu tư VinaCapital, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các DN niêm yết sẽ tăng từ mức 9% so với cùng kỳ trong nửa đầu lên 33% trong nửa cuối năm nay, một phần nhờ vào sự phục hồi của thị trường bất động sản.
“Thị trường bất động sản đã bắt đầu phục hồi từ tháng 12-2023 đến nay. Giao dịch bất động sản nửa đầu năm tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. “Một thị trường bất động sản lành mạnh sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng bằng cách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và giảm bớt lo ngại về chất lượng tài sản/chi phí tín dụng. Lợi nhuận của VN-Index được kỳ vọng sẽ tăng thêm 17% vào năm 2025” – ông Michael Kokalari nói.