Học sinh “trúng đòn” vì nắng nóng

“Giáo viên không thể dạy, học sinh không thể tập trung. Đúng hơn là tính mạng chúng em đang gặp nguy hiểm” – Hena Khan nói với Reuters.

Khan thuộc số hơn 40 triệu học sinh không được đến trường trong những tuần gần đây khi nắng nóng buộc nhiều trường học đóng cửa tại châu Á và Bắc Phi. 

Hôm 29-4, chính quyền Bangladesh tiếp tục đóng cửa trường tiểu học và cơ sở giáo dục tại nhiều địa phương khi nhiệt độ có lúc lên tới 43 độ C. 

Trước đó, Nam Sudan đã đóng cửa trường học đối với khoảng 2,2 triệu học sinh vào cuối tháng 3 khi nhiệt độ tăng vọt lên 45 độ C. Hàng ngàn trường học ở Philippines và Ấn Độ cũng có bước đi tương tự vào cuối tháng 4.

Đối mặt các đợt nắng nóng gia tăng do biến đổi khí hậu, các cơ quan chính phủ và chuyên gia y tế công cộng đang phải vật lộn với quyết định cho các em học tại lớp hoặc tại nhà. 

Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc (LHQ), khoảng 17% trẻ em trong độ tuổi đến trường trên thế giới đã thất học. Tuy nhiên, tỉ lệ này lớn hơn nhiều tại các nước đang phát triển (như lên tới 1/3 ở vùng châu Phi hạ Sahara). Trong khi đó, tại Bắc Mỹ, tỉ lệ này là 3%. 

Theo các chuyên gia, việc hàng loạt trẻ em tại châu Á và Bắc Phi đang phải nghỉ học hoặc học trực tuyến do nắng nóng đe dọa làm gia tăng khoảng cách học tập giữa nước đang phát triển và phát triển.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (Mỹ) hồi năm 2019 cho thấy trẻ em ở Đông Nam Á tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn mức trung bình khi còn trong bụng mẹ và thời thơ ấu sẽ có tổng số năm học ít hơn khi trưởng thành. 

Tác giả nghiên cứu Heather Randell, nhà xã hội học tại ĐH Minnesota (Mỹ), cho rằng do nhiều người trong khu vực phụ thuộc vào nông nghiệp, nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến thu nhập của hộ gia đình, từ đó cản trở cơ hội đến trường của trẻ.