Đoạn đê vỡ ở thị trấn Tuấn Châu đã mở rộng từ 10 m vào sáng 5-7 lên khoảng 225 m vào chiều 6-7 (giờ địa phương), gây ngập lụt một khu vực có diện tích 46 km2.
Theo Tân Hoa Xã, hàng ngàn nhân viên cứu hộ cùng với các thiết bị như thuyền, xe tải, trực thăng và máy bay không người lái đã được huy động đến đoạn đê vỡ hôm 6-7 để bắt đầu việc vá đê. Một chuyên gia cho trang tin The Paper biết công việc sửa chữa này dự kiến hoàn tất trong 4 ngày.
Ngoài ra, các nhân viên cứu hộ còn chạy đua với thời gian để gia cố bờ kè nằm cách nơi đê vỡ khoảng 2 km. Bờ kè này dài 14,3 km và được xem là “tuyến phòng thủ thứ hai”.
Vụ vỡ đê ở hồ Động Đình (hồ nước ngọt lớn thứ hai Trung Quốc) không gây thương vong nhưng khiến 5.700 người đi sơ tán, làm ngập các ngôi làng và cánh đồng gần đó. Mực nước tại hồ Động Đình đã tăng lên trong tuần qua do mưa lớn và vượt mức cảnh báo hôm 3-7.
Mưa lớn tại tỉnh Hồ Nam cũng khiến mực nước sông ở huyện Bình Giang dâng lên mức cao nhất trong 70 năm qua. Chính quyền địa phương đã kích hoạt mức độ ứng phó khẩn cấp tối đa. Truyền thông nhà nước cho hay nhiều khu vực tại các thị trấn bị ngập lụt và người dân mắc kẹt được cứu hộ bằng thuyền.
Sau vụ vỡ đê nói trên, Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết sẽ kiểm tra các đê trên hồ Bà Dương và các bờ kè dọc theo hạ lưu sông Dương Tử.
Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc ngày 7-7 cùng đưa ra cảnh báo mưa lớn sẽ xảy ra tại một số khu vực trong tuần này, gây nguy cơ ngập úng cho đất canh tác. Trong số này có lưu vực Tứ Xuyên, một trong những khu vực sản xuất lúa gạo chính của Trung Quốc.
Trước đó một ngày, Bộ Tài chính và Bộ Quản lý khẩn cấp đã phân bổ 540 triệu nhân dân tệ (gần 1.900 tỉ đồng) để hỗ trợ các tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, cháy rừng và các thảm họa địa chất khác.