Chủ tịch Trung Quốc thăm Pháp: Tâm điểm thương mại và Ukraine

Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng thống Macron cho rằng tương lai của châu Âu rõ ràng sẽ phụ thuộc vào khả năng tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc một cách cân bằng. 

Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen nhận định Trung Quốc và châu Âu có chung lợi ích về hòa bình và an ninh, nhưng mối quan hệ này đang bị thách thức bởi các vấn đề liên quan đến tiếp cận thị trường và thương mại. 

Theo bà, những vấn đề như tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường không bình đẳng và sự phụ thuộc quá mức sẽ được đề cập trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Sau cuộc họp 3 bên nói trên là cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Macron và Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo Reuters, nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh Trung Quốc cần tham gia chặt chẽ hơn vào các nỗ lực bảo đảm hòa bình tại Ukraine khi Thụy Sĩ tổ chức hội nghị vào tháng tới. 

Tờ Le Monde (Pháp) dẫn nguồn tin ngoại giao giấu tên nhận định Pháp sẽ phải tiếp tục liên lạc với Trung Quốc, được xem là quốc gia có đòn bẩy lớn nhất trong việc thay đổi quan điểm của Nga.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh ông xem quan hệ với châu Âu là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc và hai bên nên tiếp tục cam kết duy trì quan hệ đối tác. 

Ông cũng nhận định quan hệ giữa Trung Quốc và Pháp là “hình mẫu cho cộng đồng quốc tế chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia có hệ thống xã hội khác nhau”.

Trong bài viết đăng trên tờ Le Figaro (Pháp) hôm 5-5, ông Tập Cận Bình đã đề cập 3 thông điệp mang tới Pháp trong chuyến công du châu Âu lần đầu tiên sau 5 năm. Cụ thể, Trung Quốc cam kết mở ra “triển vọng mới” trong mối quan hệ với Pháp, mở cửa rộng hơn bao giờ hết với thế giới, duy trì hòa bình và ổn định thế giới. 

Về cuộc khủng hoảng Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh hy vọng hòa bình và ổn định sẽ sớm trở lại châu Âu. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Pháp và cộng đồng quốc tế để tìm ra giải pháp phù hợp cho cuộc khủng hoảng.