Mặt Trăng đã biến hình, lộn ngược từ trong ra ngoài

Theo Science Alert, một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi các nhà khoa học hành tinh Weigang Liang và Adrien Broquet từ Đại học Arizona (Mỹ) chỉ ra lớp phủ của Mặt Trăng có thể đã bị lộn ngược trong quá khứ kỳ lạ của nó.

Điều này xảy ra khoảng 4,22 tỉ năm trước, tức vài trăm triệu năm sau khi vệ tinh mang tên Mặt Trăng kết tụ lại từ các mảnh vỡ ra của Trái Đất sơ khai và hành tinh Theia.

Theia là một thiên thể giả thuyết to bằng Sao Hỏa đã lao vào địa cầu 4,5 tỉ năm trước, hợp nhất và tạo thành Trái Đất ngày nay.

Dấu vết của lớp phủ bị đảo lộn được phát hiện từ bất thường tại khu vực mang tên KREEP Terrane trên Mặt TRăng, giàu kali, các nguyên tố đất hiếm và phốt pho một cách bất ngờ.

KREEP Terrane cũng thuộc về một đồng bằng bazan rộng lớn trên Mặt Trăng, nơi giàu khoáng chất gọi là ilmenit – làm từ titan và sắt – khá đậm đặc giống như đá chứa nó.

Lẽ ra khi magma kết thúc quá trình làm mát và kết tinh, các khoáng chất đậm đặc phải dần chìm về phía lõi hành tinh. Còn nếu chúng được đưa lên một ít bởi hoạt động núi lửa, lẽ ra chúng phải được dàn đều trên khắp thiên thể.

Trên thực tế, Mặt Trăng ngày nay có một bề mặt hết sức kỳ quặc, bất đối xứng về mặt hóa học. Đó là một điểm vô lý khác. Lẽ ra Mặt Trăng phải giống với Trái Đất hơn, vì cả hai cũng được tạo ra bởi Trái Đất sơ khai và Theia.

Phân tích qua các mô hình khác nhau, cuối cùng nhóm nghiên cứu xác định việc tập trung các nguyên tố nặng một cách bất thường ở khu vực này chỉ có thể do lớp phủ của Mặt Trăng hoàn toàn bị đảo lộn sau khi hình thành.

Sự xáo trộn này đã lật ngược các vật liệu ở phần dưới cùng của lớp phủ lên tận bên trên ở một số nơi, từ đó tạo ra sự bất thường.

Tất nhiên, vỏ của một thiên thể cũng bị ảnh hưởng lớn bởi sự xáo trộn của lớp phủ trong một quá trình tái chế đá khắc nghiệt. Do đó, có thể nói toàn bộ Mặt Trăng sơ khai đã bị biến dạng, khác biệt rất nhiều so với thiên thể được Trái Đất và Theia “sinh ra” ban đầu.