Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết nhu cầu vốn phát triển giao thông của Việt Nam rất lớn và đa dạng trên cả 5 lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là thách thức đối với Chính phủ và các bộ ngành của Việt Nam, nhưng là cơ hội của doanh nghiệp (DN) Trung Quốc và Việt Nam.
Bộ GTVT sẵn sàng tạo điều kiện cho các DN Trung Quốc tham gia các dự án, khuyến khích DN Trung Quốc liên doanh với đối tác là DN Việt Nam để hợp tác đầu tư, xây dựng, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ trong các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt và đường bộ.
Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh dẫn câu ngạn ngữ Trung Quốc “muốn làm giàu trước tiên hãy làm đường”; cho biết, những năm qua Trung Quốc đã phát triển hệ thống giao thông hiệu quả cao với hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, cảng biển hàng đầu thế giới.
Trung Quốc đã vươn ra hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giao thông tại một số nước trong khu vực như Campuchia, Indonesia, Lào.
Nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng, Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh hoan nghênh các cơ quan, DN hai nước cùng nhau thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là hợp tác phát triển giao thông, kết nối giao thông giữa hai nước; cho rằng, cùng với vai trò dẫn dắt của DN Nhà nước, cần huy động các DN tư nhân hai bên vào nhiệm vụ quan trọng này.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong chuyến công tác lần này, ông và các lãnh đạo Trung Quốc đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng thúc đẩy tăng cường hợp tác, trong đó có lĩnh vực quan trọng là phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược giao thông.
Việt Nam mong muốn tham khảo kinh nghiệm, hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược giao thông.
Theo Thủ tướng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, tiềm năng hợp tác giao thông là rất lớn trong cả 5 phương thức vận tải (đường sắt, hàng không, đường biển, đường bộ, đường sông).
Hai nước có những tiềm năng, thế mạnh có thể bổ trợ, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực này. Trung Quốc có công nghệ, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, nhiều DN lớn; Việt Nam có nhu cầu lớn về phát triển trong khi nguồn lực, kinh nghiệm, công nghệ, nhân lực còn hạn chế. Hai bên cũng có quyết tâm chính trị cao, thể hiện qua nhiều thỏa thuận cấp cao, nhiều hiệp định hợp tác đã được ký kết.
Tuy nhiên, kết quả hợp tác kết nối hạ tầng chiến lược giao thông vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của hai bên.
Rút ra bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng cần quán triệt nghiêm túc và triển khai hiệu quả định hướng chỉ đạo chiến lược của hai Tổng Bí thư; cam kết của hai bên về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông. Cần sự chung tay, vào cuộc chủ động, tích cực của các bộ, ban, ngành, địa phương, DN và người dân, đẩy mạnh hợp tác công tư, với tinh thần chân thành, cầu thị, cùng hợp tác, cùng phát triển, cùng thắng, bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Cùng với đó, kịp thời sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, có tính cạnh tranh, hấp dẫn cao để thu hút các DN tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối 2 nước.
Cùng với các cơ chế hợp tác, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm theo tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả lượng hóa được; đồng thời, phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát thực hiện và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Với mục tiêu kết nối thông suốt các loại hình giao thông gắn với chuyển đổi số, phát triển xanh theo xu thế thế giới, Thủ tướng cho rằng cần cùng nhau hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển nhanh, bền vững các lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm. Trong đó, phải có các chính sách khuyến khích về thuế, phí, lệ phí…
Cùng với đó, phải hoàn thiện các quy hoạch, xây dựng các dự án, đề án, có giải pháp cụ thể về tài chính, công nghệ, quản lý…; bổ sung, hoàn thiện các hiệp định giữa hai nước để triển khai bài bản, các bộ, ngành liên quan phải có thỏa thuận để hỗ trợ DN.
Đồng thời, huy động các nguồn lực đa dạng, gồm nguồn lực Nhà nước, nguồn lực nhân dân, DN, vốn vay… Thủ tướng cho biết cùng với ưu tiên từ ngân sách Nhà nước, đầu tư nhà nước, Việt Nam chú trọng thu hút nguồn vốn từ các DN hai bên cho các dự án kết nối hạ tầng giao thông 2 nước, thúc đẩy hình thức đối tác công tư PPP.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị phía Trung Quốc tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn ưu đãi, công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, quản trị thông minh trong lĩnh vực hạ tầng giao thông chiến lược.
Thủ tướng kêu gọi các tập đoàn, DN lớn (cả nhà nước và tư nhân) của Trung Quốc tham gia đầu tư, đấu thầu, xây dựng các công trình, dự án lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các lĩnh vực đột phá như giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo.
Trong đó, với lĩnh vực giao thông, Thủ tướng đề nghị rút kinh nghiệm từ các dự án trước đây, điều chỉnh cách làm, đổi mới tư duy, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để làm tốt hơn, hiệu quả hơn trong các kế hoạch, dự án sắp tới với tinh thần chân thành, hiệu quả, tin cậy, không để dàn trải, kéo dài, đội vốn, chống tiêu cực, tham nhũng.
Về một số định hướng hợp tác kết nối chiến lược giao thông trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị sớm triển khai ba dự án kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn (Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; Lạng Sơn-Hà Nội; Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng), trước mắt triển khai nhanh tuyến Hà Nội-Lào Cai-Hải Phòng.
Về đường sắt đô thị, phát huy thành công của tuyến Cát Linh Hà Đông, tiếp tục phối hợp triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và TP HCM; trong đó, khuyến khích DN Trung Quốc tham gia theo hình thức PPP.
Về đường hàng không, cần thúc đẩy mở rộng các đường bay kết nối giữa hai nước, tăng tần suất các chuyến bay có nhu cầu cao, có chính sách khuyến khích du lịch Việt Nam và Trung Quốc.
Về đường bộ, đẩy mạnh triển khai các dự án đường bộ kết nối giữa hai nước, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc kết nối và các cầu đường bộ biên giới.