Việt Nam – Úc thúc đẩy đầu tư chất lượng cao

Trong chương trình thăm chính thức Úc, chiều 8-3, tại thủ đô Canberra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu của Úc trong các lĩnh vực đầu tư tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng; khai thác, chế biến khoáng sản; sản xuất, phân phối lương thực… đang mong muốn hợp tác và đầu tư tại Việt Nam.

Lãnh đạo Công ty Corio thuộc Tập đoàn Macquarie cho biết Corio đã tham gia nghiên cứu phát triển một số dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ năm 2019, với mong muốn đầu tư năng lượng điện gió ngoài khơi Việt Nam. Dự án vẫn chưa được triển khai do vướng mắc về quy trình, thủ tục và Corio đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành thúc đẩy dự án. 

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã đồng ý thực hiện thí điểm khảo sát phát triển điện gió ngoài khơi, giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo; yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, đơn giản hóa thủ tục để thúc đẩy dự án của Công ty Corio.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc tiếp ông Ian Jeffrey Gandel, Chủ tịch Tập đoàn ASM (tập đoàn mới nổi của Úc trong lĩnh vực khai khoáng) và ông Oliver Kleinhempel, Chủ tịch Tập đoàn EQ Resources (tập đoàn hàng đầu Úc) trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tungsten, một trong những nguyên liệu thô thiết yếu trong sản xuất các sản phẩm điện – điện tử. 

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn nghiên cứu, xây dựng dự án khai thác và chế biến sâu khoáng sản tại Việt Nam khả thi và hiệu quả; ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường; đồng thời chuyển giao công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản cho Việt Nam; hỗ trợ, tham vấn và cùng Việt Nam tham gia chuỗi cung khoáng sản, kim loại toàn cầu.

Thủ tướng cũng có buổi tiếp lãnh đạo Tập đoàn SunRice – tập đoàn sản xuất và phân phối gạo lớn nhất ở Úc, chiếm khoảng 90% thị phần gạo nước này. 

Giám đốc điều hành tập đoàn Paul Serra cho biết từ năm 2022 đến nay, SunRice đang triển khai dự án “Phát triển chuỗi cung ứng gạo chất lượng cao tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” với mục tiêu phát triển giống lúa có năng suất và chất lượng cao cũng như giống bền vững phục vụ thị trường quốc tế. 

Tập đoàn mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Thủ tướng đề nghị tập đoàn tư vấn và cùng Việt Nam triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Ngoài hợp tác sản xuất lúa, tập đoàn còn đầu tư ngành thực phẩm Halal, thủy hải sản, trái cây… tại Việt Nam, nhất là khu vực ĐBSCL và Tây Nguyên.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Úc (CSIRO) – một trong những tổ chức khoa học – công nghệ (KH-CN) đa ngành lớn nhất thế giới tại thủ đô Canberra. Thủ tướng chứng kiến Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt và Tổng Giám đốc CSIRO ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai cơ quan.

Đồng Bộ trưởng Ngoại giao Úc Tim Watts cho rằng hợp tác KH-CN, đổi mới sáng tạo là một trụ cột trong quan hệ hai nước và chính phủ Úc cam kết tăng cường kết nối trong lĩnh vực này với Việt Nam. Vừa qua, Úc công bố sáng kiến thành lập quỹ 2 tỉ USD đầu tư vào Đông Nam Á và các chương trình hợp tác đang hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết CSIRO đã hợp tác hiệu quả với Việt Nam về một số mặt hàng nông sản như trái cây, khoai tây…; mong muốn CSIRO tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam chuẩn hóa trong lĩnh vực nông sản, nhất là lúa, cá tra, tôm…, những lĩnh vực mà Việt Nam đang trong nhóm dẫn đầu thế giới, theo xu thế ít phát thải và chuyển đổi xanh.

Thủ tướng đề nghị hai bên xây dựng các dự án cụ thể từ nguồn quỹ đầu tư 2 tỉ USD của Úc cho Đông Nam Á; mong muốn hợp tác với CSIRO triển khai các chương trình, dự án hợp tác thiết thực, hướng vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, chuẩn bị kỹ lưỡng, mang lại sản phẩm, kết quả cụ thể. Các địa phương, bộ, ngành sẽ xây dựng các chương trình, dự án để mời CSIRO hợp tác và Chính phủ Việt Nam sẽ có các cơ chế, chính sách, chỉ đạo, điều hành để triển khai thuận lợi.