Nhịp điệu lãi suất dè dặt

FED và ECB hiện đều chưa sẵn sàng hoặc thậm chí chưa dám có sự điều chỉnh giảm mang tính chất bước ngoặt trong chính sách lãi suất.

Ngân hàng trung ương của các quốc gia trên thế giới thường dùng việc nâng lãi suất cơ bản để chống lạm phát. Nhưng lãi suất tăng cao lại cản trở tăng trưởng kinh tế. Vì thế, khi lạm phát đã được kiềm chế ở mức độ như mục tiêu đề ra, thường là 2%, lãi suất cơ bản sẽ được cân nhắc giảm.

Vấn đề ở chỗ các quyết định về chính sách tiền tệ phải sau một thời gian nhất định mới phát tác chứ không có tác động tức thời. Bởi vậy, các ngân hàng trung ương quốc gia phải đi trước một bước. Nói cách khác, không chỉ mức độ tăng hoặc giảm lãi suất cơ bản mà thời điểm đưa ra quyết sách sẽ quyết định liệu biện pháp này có mang lại kết quả như mong đợi hay không.

Trên thực tế, lãi suất hiện tại ở các nền kinh tế trên thế giới đã giảm đi rất nhiều so với mức cao kỷ lục năm 2022. Tỉ lệ lạm phát tại Đức, Pháp và nhiều nước khác trong khu vực đồng euro tuy chưa giảm xuống còn 2% nhưng cũng đã ở mức dưới 3%. Lạm phát ở Mỹ hiện trên 3%. 

Ở cả Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nền kinh tế phát triển khác, mức độ tăng trưởng kinh tế đều không được cao và ổn định, đồng thời tiềm ẩn rõ ràng nguy cơ suy thoái hoặc trì trệ. 

Nếu mục tiêu đặt ra là ngăn ngừa suy thoái thì các ngân hàng trung ương ngay từ bây giờ phải giảm lãi suất cơ bản, song họ vẫn chưa làm như thế. Nguyên nhân ở đây chỉ có thể là nỗi lo canh cánh về lạm phát tăng trở lại.

Một diễn biến như thế đồng nghĩa công cuộc chống lạm phát tuy đạt được thành công nhưng thành quả rõ ràng chưa thật sự bền vững. Tỉ lệ lạm phát hiện tại ở các nền kinh tế phát triển đã giảm đáng kể nhưng trong gần đây lại chững lại chứ không tiếp tục giảm. Thực tế này khiến các ngân hàng trung ương phải rất thận trọng và không dám vội vã chuyển sang định hướng giảm lãi suất cơ bản.

Họ hành xử như thế vì 2 nguyên nhân. Thứ nhất, các ngân hàng trung ương quốc gia có sứ mệnh chính là ổn định giá trị tiền tệ, tức là chống lạm phát, sau đó mới phục vụ cho tăng trưởng kinh tế trong khả năng có thể được. Các ngân hàng trung ương luôn dành ưu tiên cao nhất cho chống lạm phát, vì thế phải hy sinh những mục tiêu khác.

Thứ hai, đối với các ngân hàng trung ương quốc gia, việc chống lạm phát luôn khó khăn, phức tạp và khó thành công hơn phục vụ tăng trưởng. Nếu không kiên định và triệt để chống lạm phát mà giữa chừng thay đổi để phục vụ tăng trưởng kinh tế thì sẽ phải trả giá đắt hơn nhiều khi lạm phát tăng trở lại. 

Từ đó, có thể thấy mặt bằng lãi suất cơ bản chưa thể giảm trong thời gian tới, tỉ lệ lạm phát dao động giữa giảm không nhiều và tăng cũng không nhiều, kinh tế vì thế chưa có được động lực tăng trưởng mới trên thế giới.