Theo Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 31-3, khu vực này được dự báo sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm 2024, so với mức 5,1% của năm ngoái.
Đáng chú ý, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 là 5,5%. Với Trung Quốc, con số này là 4,5%, thấp hơn so với mục tiêu 5% được Bắc Kinh đề ra, cũng như mức 5,2% của năm ngoái. WB nhận định nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chịu tác động của khủng hoảng bất động sản, mức nợ cao và bất đồng thương mại.
Theo báo cáo trên, nếu không tính Trung Quốc, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay, cao hơn mức 4,4% của năm 2023.
WB đánh giá các nền kinh tế khu vực EAP đang tăng trưởng chậm hơn so với trước đại dịch nhưng vẫn nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới. Bên cạnh đó, sự phục hồi của thương mại toàn cầu và việc nới lỏng điều kiện tài chính khi các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các nền kinh tế tại khu vực này.
Theo WB, thương mại hàng hóa và dịch vụ chỉ tăng 0,2% trong năm 2023 nhưng con số này dự kiến tăng 2,3% trong năm nay. “Khu vực này đang hoạt động tốt hơn phần còn lại trên thế giới nhưng lại không đạt được tiềm năng của mình” – ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực EAP của WB, nhận định với đài CNBC.
Theo AP, báo cáo nhận định nợ công, rào cản thương mại và những bất ổn chính sách đang làm giảm sức năng động kinh tế của khu vực và các chính phủ cần phải làm nhiều hơn để giải quyết một loạt vấn đề dài hạn, trong đó có đầu tư thấp cho giáo dục.
Ngoài ra, viễn cảnh kinh tế khu vực còn chịu tác động của một số rủi ro, như kinh tế toàn cầu giảm tốc lớn hơn dự kiến, căng thẳng địa chính trị gia tăng…
Một rủi ro chính là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn khác có thể giữ lãi suất cao hơn so với trước đại dịch. Một thách thức khác đến từ gần 3.000 biện pháp bóp méo thương mại, như thuế quan cao hơn hoặc trợ cấp, được áp dụng trong năm 2023.
Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực EAP, nhận định khu vực này đang đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngay cả khi phải đối mặt với môi trường toàn cầu nhiều thách thức hơn, dân số già hóa và những tác động của biến đổi khí hậu.
Theo bà Ferro, các quốc gia trong khu vực có thể duy trì đà tăng trưởng bằng cách đẩy nhanh việc mở cửa nhiều hoạt động hơn cho đầu tư tư nhân, giải quyết các thách thức của lĩnh vực tài chính và thúc đẩy năng suất.
Trong khi đó, ông Mattoo cho rằng khu vực này có thể hoạt động tốt hơn nhiều với năng suất và hiệu quả cao hơn. Một vấn đề được báo cáo nêu bật là tăng trưởng năng suất của các công ty hàng đầu tại khu vực đang kém xa các công ty dẫn đầu ở những nước giàu, đặc biệt là trong những lĩnh vực liên quan đến công nghệ.
Vì thế, ông Mattoo kêu gọi cần có hành động chính sách táo bạo để kích thích cạnh tranh, cải thiện cơ sở hạ tầng và cải cách giáo dục, từ đó có thể thúc đẩy kinh tế khu vực.