Gia tộc Shinawatra, chuyện bây giờ mới kể (*): Ẩn số chính trường

Khoảng 9 giờ ngày 22-8-2023, giữa hàng ngàn người ủng hộ chờ đón, chiếc máy bay riêng đưa ông về tới sân bay quốc tế Don Mueang ở thủ đô Bangkok, chấm dứt gần 16 năm lưu vong.

Ngày về kịch tính

Ông Thaksin bị đưa đến Tòa án Tối cao và nhận bản án 8 năm tù với tội lạm dụng quyền lực và xung đột lợi ích trong cùng ngày 22-8-2023, ngay sau đó bị đưa vào tù. 

Tuy nhiên, chỉ hơn 12 giờ một chút – tức đến đêm cùng ngày, ông đã được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát ở Bangkok với lý do sức khỏe kém. Báo chí Thái Lan dẫn lời các bác sĩ liệt kê hàng loạt bệnh mà tỉ phú này mắc phải, từ mất ngủ, đau ngực, huyết áp cao tới tim mạch, phổi (do mắc COVID-19)…

Theo báo The Guardian, nhiều nhà hoạt động không chấp nhận giải thích trên của giới chức. Họ gọi ông Thaksin là “tù nhân ở tù không trọn một ngày” và được hưởng nhiều biệt đãi. 

Truyền thông địa phương tiết lộ ông Thaksin được đưa vào khu vực có phòng riêng trang bị máy điều hòa, TV, tủ lạnh… trong bệnh viện, với sự chăm sóc 24/24 của y tá. Tuy nhiên, không ai rõ phòng bệnh mà ông tá túc suốt 6 tháng sau đó thực sự như thế nào.

Thụ án chưa đầy 1 tháng, ông Thaksin được Vua Maha Vajiralongkorn giảm án xuống còn 1 năm. Ngày 18-2 vừa qua, ông được ân xá sau khi chấp hành án tù 6 tháng, theo một quy trình mà chính phủ Thái Lan nhiều lần khẳng định là tuân thủ pháp luật. 

Những diễn biến trên làm dấy lên suy đoán về một thỏa thuận hết sức đặc biệt được thương lượng trong nhiều tháng liền.

Đáng chú ý, ngày ông Thaksin về quê nhà cũng là ngày Quốc hội Thái Lan bỏ phiếu bầu doanh nhân bất động sản Srettha Thavisin, đồng minh của gia tộc Shinawatra, thành thủ tướng của chính phủ liên minh 11 đảng. 

Pheu Thai là đầu tàu của liên minh này dù chỉ về nhì trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5-2023. Để được như vậy, Pheu Thai đã bắt tay với các đối thủ cũ thân quân đội, bao gồm 2 đảng Palang Pracharath (Lực lượng công dân) và Quốc gia Thái Lan thống nhất có liên quan đến cựu Thủ tướng Prayut Chan-o-Cha. 

Ông Prayut là tư lệnh lục quân Thái Lan đã chỉ đạo cuộc đảo chính lật đổ bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, vào năm 2014.

Động lực đằng sau “thỏa thuận đặc biệt” kể trên, theo nhiều nhà phân tích, đến từ mối lo ngại đối với Đảng Tiến bước, đảng về đầu trong tổng tuyển cử năm ngoái và ban đầu đứng ra dẫn dắt liên minh thành lập chính phủ mới, bao gồm Pheu Thai. 

Tuy nhiên, nỗ lực của Tiến bước không thành và ứng viên thủ tướng của họ – ông Pita Limjaroenrat – không những không được quốc hội phê chuẩn mà còn suýt mất ghế nghị sĩ. Đảng Tiến bước sau đó bị loại khỏi liên minh mới do Pheu Thai lập nên.

Không còn như xưa

Theo Reuters, chương trình nghị sự của Đảng Tiến bước đi xa hơn Pheu Thai nhiều, với những kêu gọi cải cách lớn trong quân đội, kinh tế lẫn các điều luật “khi quân” nghiêm khắc của Thái Lan. 

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Đảng Tiến bước có thể đã mở ra cánh cửa trở về Thái Lan mà ông Thaksin chờ đợi bấy lâu. 

“Ông ta cần sự giúp đỡ của quân đội và giới tinh hoa để hồi hương mà không phải ngồi tù trong khi phía bên kia cần Pheu Thai góp tay ngăn chặn Đảng Tiến bước” – ông Paul Chambers, chuyên gia tại Trường ĐH Naresuan (Thái Lan), nhận định.

Nhà phân tích chính trị Thái Lan Pravit Rojanaphruk nhận định với kênh Al Jazeera rằng việc ông Thaksin được thả gợi lên nhiều câu hỏi hơn là giải đáp. “Nếu sức khỏe cho phép thì vai trò của ông Thaksin sẽ là gì? Ông ấy sẽ trực tiếp lèo lái chính sách của chính phủ thông qua Pheu Thai hay hài lòng với vai trò cố vấn thầm lặng ở hậu trường?” – ông Pravit nói. 

Giáo sư về chính trị của Viện Quản lý phát triển quốc gia Thái Lan (Nida), ông Phichai Ratnatilaka Na Bhuket, nhận xét thêm: “Ông Thaksin có thể rời bệnh viện trong bí mật rạng sáng 18-2, song ông ấy chọn cách công khai hóa. Lựa chọn này cho thấy ông ấy sẽ gạt bỏ mọi chỉ trích để trở lại chính trường”. 

Theo các báo Thái Lan như Bangkok Post, The Nation, trước những nghi ngờ chính phủ sẽ chịu ảnh hưởng từ ông Thaksin, đích thân Thủ tướng Srettha Thavisin hôm 18-2 lên tiếng bác bỏ. Ông đồng thời nhấn mạnh nội các sẵn lòng đón nhận bất cứ lời khuyên nào của ông Thaksin, bởi “cựu thủ tướng có ý tốt cho đất nước và sở hữu kinh nghiệm phong phú”.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát khác chỉ ra Thái Lan ngày ông Thaksin trở về đã khác rất nhiều với Thái Lan ngày ông ra đi. 

“Chủ nghĩa dân túy của Thaksin không còn là trọng tâm nữa, thay vào đó là các cải cách thể chế mà Đảng Tiến bước hướng tới” – ông Thitinan Pongsudhirak, giáo sư về khoa học chính trị tại Trường ĐH Chulalongkorn (Thái Lan), bình luận với đài CNN. 

Cũng theo ông Thitinan, việc bắt tay với các đối thủ cũ có thể khiến ông Thaksin mất đi ít nhiều ảnh hưởng ngay trong nội bộ Pheu Thai.

Hơn nữa, ông Thaksin vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi rắc rối pháp lý. Một ngày sau khi được thả tự do, cựu thủ tướng trình diện các công tố viên đang điều tra cáo buộc ông xúc phạm hoàng gia trong một cuộc phỏng vấn tại Hàn Quốc năm 2015. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-3