Microsoft cơ bản khắc phục sự cố “màn hình xanh chết chóc” toàn cầu

“Chúng tôi đã khắc phục nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự cố ngừng hoạt động của ứng dụng 365 và dịch vụ bao gồm Teams và OneDrive, nhưng tác động còn sót lại vẫn ảnh hưởng đến một số khách hàng” – Reuters dẫn thông báo của Microsoft ngày 19-7.

Sự cố xảy ra sau khi công ty an ninh mạng CrowdStrike (Mỹ) cập nhật phần mềm của sản phẩm Endpoint Detection và Response (EDR), vốn được cài đặt trên máy tính của khách hàng để giúp bảo vệ họ khỏi tin tặc. Công ty CrowdStrike có hơn 20.000 khách hàng trên toàn thế giới.

CrowdStrike cho biết phần mềm “Falcon Sensor” của họ đã khiến Windows bị sập và trên các máy chủ hiển thị “màn hình xanh chết chóc”,  thuật ngữ mô tả sự cố hệ thống trên hệ điều hành Windows của hãng Microsoft.

Sự cố liên quan đến hệ điều hành Windows được ghi nhận trên khắp thế giới, ảnh hưởng đến các chuyến bay, hoạt động ngân hàng, dịch vụ y tế và công ty ở các quốc gia như Singapore, Mỹ, Anh, Ấn Độ, Úc, Tây Ban Nha, Hà Lan và đặc khu Hồng Kông – Trung Quốc hôm 19-7.

Nhiều hãng hàng không lớn của Mỹ như American Airlines, Delta Airlines, United Airlines hay Allegiant Airlines hôm nay thông báo hoãn/huỷ chuyến.

Các ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính từ Úc đến Ấn Độ và Đức đã cảnh báo khách hàng về sự gián đoạn và các nhà giao dịch trên khắp thị trường đã nói sự cố khi thực hiện giao dịch.

“Chúng ta đang trải qua đợt suy thoái lớn nhất của thị trường toàn cầu” – một thương nhân cho biết.

Tại nước Anh, hệ thống đặt chỗ mà các bác sĩ sử dụng đã ngừng hoạt động, theo nhiều báo cáo được các quan chức y tế đăng trên X. Kênh Sky News cũng phải ngừng phát sóng và câu lạc bộ bóng đá Manchester United cho biết trên X rằng họ đã phải hoãn lịch phát hành vé, trong khi Sở giao dịch chứng khoán London – Anh trì hoãn hoạt động giao dịch. 

Hãng hàng không lớn nhất châu Âu tính theo số lượng hành khách Ryanair cũng đã cảnh báo về khả năng gián đoạn mà hãng cho biết sẽ ảnh hưởng đến “tất cả các hãng hàng không hoạt động trên toàn mạng lưới”.

Sân bay Schiphol ở Amsterdam – Hà Lan, một trong những sân bay bận rộn nhất châu Âu, cho biết họ bị ảnh hưởng. Hãng hàng không Iberia nói họ đã vận hành thủ công tại các sân bay cho đến khi quầy làm thủ tục điện tử và làm thủ tục trực tuyến được kích hoạt lại. Bộ Ngoại giao Hà Lan cũng xác nhận bị ảnh hưởng bởi sự cố nhưng không nêu thông tin chi tiết.

Ở những nơi khác, các chuyến bay ở Sydney – Úc, Tây Ban Nha và Đức cũng bị ảnh hưởng.

Tại châu Á, các sân bay ở Singapore, Bangkok, Hồng Kông (Trung Quốc) và Ấn Độ nằm trong số những sân bay bị ảnh hưởng, buộc nhiều hành khách xếp hàng dài tại quầy làm thủ tục thủ công.

“Đây không phải là sự cố an ninh hay tấn công mạng” – lãnh đạo CrowdStrike George Kurtz cho biết – “Chúng tôi đang tích cực làm việc với những khách hàng bị ảnh hưởng và việc khắc phục sự cố vẫn tiếp tục được triển khai”.