Theo Sci-News, loài thủy quái mới vừa được đặt tên là Pebanista yacuruna, một con cá heo cổ đại có thân hình dài từ 2,8-3,5 m.
Với kích thước này, nó là một trong những loài odontocete (gồm các loài cá heo, cá voi có răng…) lớn nhất từng được biết đến.
Kích thước ngoại cỡ cũng là điều được ghi nhận ở các sinh vật cùng thời ở khu vực này, bao gồm các loài cá và cá sấu.
Nó thuộc về họ Platanistoidea, một nhóm cá heo cổ đại sống vào giai đoạn từ 24-16 triệu năm về trước.
Các nhà khoa học ban đầu nghĩ rằng mình đã tìm ra tổ tiên của cá heo sông Amazon cổ đại, nhưng cuối cùng hết sức bất ngờ khi các phân tích cho thấy cá heo sông Nam Á mới là họ hàng gần nhất của nó.
Loài thủy quái có tất cả các đặc điểm đặc trưng của Platanistoidea, bao gồm khuôn mặt, cấu trúc xương chuyên biệt liên quan đến khả năng định vị bằng tiếng vang. Trong khi đó, chiếc mõm thon dài cho thấy nó là loài ăn cá.
Hóa thạch của nó đã góp phần kể lại dòng lịch sử của khu vực Amazon cổ đại.
“16 triệu năm trước, vùng Amazon ở Peru rất khác so với ngày nay, với phần lớn vùng đồng bằng hiện tại được bao phủ bởi một hệ thống hồ và đầm rộng lớn gọi là Pebas” – TS Aldo Benites-Palomino, nhà cổ sinh vật học từ Đại học Zurich (Thụy Sĩ) cho biết.
Cảnh quan cổ đại này bao gồm các hệ sinh thái dưới nước, bán thủy sinh và trên cạn, trải dài khắp địa phận các quốc gia Colombia, Ecuador, Bolivia, Peru và Brazil ngày nay.
Tuy nhiên khoảng 10 triệu năm trước, môi trường thay đổi, hệ thống Pebas nhường chỗ cho vùng Amazon hiện đại, nơi con mồi của các loài sinh vật khổng lồ này không còn, do đó chúng cũng tuyệt chủng theo.
Mặc dù vậy, sự tuyệt chủng này đã tạo nên các hốc sinh thái được khai thác bởi dòng họ cá heo sông Amazon ngày nay.