Đức – Nga leo thang tranh cãi quanh vụ rò rỉ ghi âm về Ukraine

Truyền thông Nga tuần trước công bố đoạn ghi âm được cho là từ cuộc họp của các quan chức quân sự cấp cao Đức qua nền tảng Webex (Mỹ), trong đó thảo luận về vũ khí hỗ trợ Ukraine và khả năng tấn công của lực lượng Kiev vào một cây cầu ở Crimea.

Đức đã xác nhận tính xác thực của đoạn ghi âm dài 38 phút, đồng thời cho biết đang điều tra “hành động nghe lén của Nga” như một phần của “cuộc chiến thông tin”.

Theo hãng tin Reuters, những người này tham gia cuộc thảo luận về khả năng chuyển tên lửa hành trình Taurus tới Kiev – động thái mà đến nay, Thủ tướng Olaf Scholz vẫn kiên quyết bác bỏ. Họ cũng thảo luận về cách Pháp và Anh cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine.

Giới phân tích cho rằng đoạn ghi âm có thể làm căng thẳng các mối quan hệ vì đây là một lỗ hổng an ninh lớn và tiết lộ mức độ do dự của Đức trong việc can thiệp quá sâu vào cuộc xung đột.

Người phát ngôn Chính phủ Đức ngày 4-3 nhận xét: “Cuộc tấn công kiểu này nhằm gây ra sự bất an và chia rẽ chúng ta. Chúng tôi sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Chúng tôi sẽ thường xuyên liên lạc với các đối tác của mình”.

Moscow đến nay vẫn cáo buộc phương Tây sử dụng Ukraine để tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga. Trong khi đó, NATO cho biết họ đang giúp Ukraine tự vệ trước cuộc xung đột với Nga.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhận định vụ rò rỉ ghi âm là vấn đề mà Đức phải điều tra và Anh sẽ tiếp tục hợp tác với Đức để hỗ trợ Ukraine.

Theo ông Rishi Sunak, Anh là quốc gia đầu tiên cung cấp tên lửa tấn công chính xác tầm xa cho Ukraine và sẽ khuyến khích các đồng minh làm điều tương tự.

Cùng ngày, Điện Kremlin cho rằng đoạn ghi âm cho thấy lực lượng vũ trang Đức đang thảo luận về kế hoạch tấn công Nga, đồng thời đặt câu hỏi liệu ông Scholz có kiểm soát được tình hình không, hay đó là một phần trong chính sách của chính phủ Đức?

Theo hãng thông tấn TASS, Điện Kremlin cũng đã triệu đại sứ Đức để yêu cầu giải thích về các cuộc thảo luận quân sự trong đoạn ghi âm. Đây là lần thứ hai trong tuần qua, Moscow công bố những gì họ xem là bằng chứng cho thấy phương Tây có ý định tấn công trực tiếp vào Nga.

Trong tuần qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đề cập khả năng các quốc gia châu Âu có thể gửi quân tới Ukraine. Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các nước phương Tây có nguy cơ kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu họ gửi quân đến Ukraine.