Người Việt trong động đất ở Đài Loan

Rạng sáng 5-4, nhiều dư chấn tiếp tục diễn ra trên khắp Đài Loan (Trung Quốc), sau trận động đất mạnh 2 ngày trước đó. 

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, nhiều người Việt liên tục nhận được tin nhắn dự báo thông qua ứng dụng trò chuyện Line và phần mềm của Cơ quan Khí tượng Đài Loan.

Bình tĩnh thoát thân

Chị Đào Bích (43 tuổi, ngụ La Đông, huyện Nghi Lan) kể lại lúc 8 giờ sáng 3-4, chị cảm thấy chóng mặt. Tưởng rằng mình bị kiệt sức vì chăm con, mãi đến khi điện thoại đổ chuông mới biết cơ quan chức năng Đài Loan cảnh báo tránh xa tường nhà. 

Kèm theo đó là danh sách những nơi trú ẩn an toàn – là những tòa nhà kiên cố, được chuẩn bị sẵn nước, lương thực và thiết bị y tế – trong bán kính 20 km tính từ nhà chị.

Động đất ở Đài Loan thường xảy ra nên chị Bích không mấy căng thẳng, dù cả gia đình chị cảm nhận cường độ rung chấn rất mạnh do trận động đất 7,4 độ ở huyện Hoa Liên. Nghi Lan nằm ở Đông Bắc Đài Loan, cách Hoa Liên không xa. 

“Chân tôi lắc lư như có ai đó đang lay. Hai phút sau, loa chung cư thông báo người dân di chuyển chậm rãi xuống công viên. Con gái 12 tuổi được nhà trường dạy kỹ năng sơ tán nên hướng dẫn vợ chồng tôi ôm lấy đầu khi đi lại” – chị Bích kể.

Trong khi đó, anh Lê Minh Hoài (37 tuổi, quê Thanh Hóa) đang xào mì cho công ty thực phẩm có trụ sở ở TP Cao Hùng lúc động đất xảy ra. Dù Cao Hùng cách tâm chấn 300 km nhưng chảo cũng bị chao đảo làm rơi hết nước xốt. Dầu ăn bắn lên khiến cánh tay anh Hoài bị bỏng nhẹ. 

Công ty nhanh chóng bật loa kêu gọi sơ tán và mọi người bình tĩnh mặc thêm áo, xếp hàng di chuyển ra bãi đất, trên tường tấm bảng nội quy đã rơi xuống đất. Không khí chẳng khác gì buổi diễn tập ứng phó động đất mà anh Hoài được học và thực hành cách đây không lâu. 

Anh Hoài giải thích rõ hơn: “Ở Đài Loan cứ 6 tháng là đi học an toàn lao động và thực hành sơ tán khi động đất. Khi sơ tán lần này, chúng tôi không nghĩ động đất nghiêm trọng như vậy, đến khi đọc báo mới biết đây là trận mạnh nhất trong vòng 25 năm qua”.

Tại TP Đào Viên, nằm ở Tây Bắc Đài Loan, nhiều chủ quán trong khu phố ẩm thực của người Việt gần ga tàu điện Đào Viên đã chủ động di chuyển bàn, ghế và bếp nấu ra vỉa hè để đề phòng sự cố. Bà Nguyễn Minh Tú (65 tuổi, chủ quán bún mắm ở đây) cho biết chính quyền tạo điều kiện cho người buôn bán sử dụng vỉa hè tạm thời nhằm bảo đảm an toàn khi dư chấn vẫn còn.

Tình người trong hoạn nạn

Nhờ tham gia Hội Người Việt ở quận Tín Nghĩa (TP Đài Bắc) mà chị Hồ Thị Mai nhận được sự trợ giúp quý giá khi động đất xảy ra. Rung chấn làm hư cánh cửa lùa ở cửa tiệm chăm sóc móng tay mà chị làm chủ, khiến chị mắc kẹt bên trong. 

Loay hoay hơn một giờ không thoát ra được, chị vào nhóm kêu cứu. “Không ngờ có đến gần 60 người nhắn tin hỏi thăm và ngỏ ý sẵn sàng đến giúp. Cuối cùng tôi được 2 du học sinh Việt Nam đến tháo cửa đưa ra ngoài. Nhiều người lo lắng còn định mang thức ăn, thuốc đến cho tôi” – chị Mai bày tỏ.

Động đất đúng vào lúc Đài Loan nghỉ lễ 4 ngày nhân dịp Tết Thanh minh và Tết Thiếu nhi. Cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người dân vừa nghỉ ngơi vừa cập nhật thông tin vì có thể sẽ có thêm nhiều dư chấn nguy hiểm. 

Chỉ trong vài ngày, trên ứng dụng Line đã có hơn 20 nhóm hỗ trợ do cộng đồng người Việt Nam sống tại Đài Loan lập ra. Anh Võ Điền, du học sinh tại Đào Viên kiêm trưởng nhóm “Người Việt giúp đỡ nhau trong cơn động đất Đài Loan”, cảm động trước tình cảm đồng hương xa xứ khi ai cũng hỏi thăm và dành cho nhau nhiều lời động viên. 

“Nhiều người còn gợi ý tổ chức các đợt cứu trợ ở Hoa Liên sau khi lực lượng chức năng khắc phục xong đường sá” – anh Điền kể.

Giao thông ở khu vực Hoa Liên vẫn bị chia cắt và hơn 300.000 người đang được tiếp tế thực phẩm và chăm sóc y tế. Chị Đỗ Thị Bách (42 tuổi) cho biết chị đang cùng chồng di chuyển đến xã Quang Phục của huyện Hoa Liên thì bị mắc kẹt vì đường ray tàu điện đứt gãy. 

Cả gia đình hiện trú tạm tại một khách sạn thấp tầng và đã chịu đựng hơn 10 đợt dư chấn khiến cơ thể chao đảo như ngồi trên thuyền. Chính quyền địa phương đã tìm đến hỗ trợ chị Bách cùng gia đình.