Bước tiến trong sứ mệnh chinh phục sao Hỏa

Cuộc thí nghiệm kéo dài 1 năm này nhằm tìm hiểu tác động có thể xảy ra đối với các phi hành gia sống trên đó trong tương lai.

Bên trong cơ sở mô phỏng sao Hỏa, nhóm tình nguyện viên đã tiến hành nhiều thí nghiệm khác nhau, trong đó có trồng rau để tự cung cấp lương thực. Họ còn phải đối mặt các yếu tố gây căng thẳng liên quan việc tài nguyên hạn chế, tình trạng cô lập và lỗi thiết bị. Phát biểu sau khi rời khỏi cơ sở này hôm 6-7, theo đài NHK, nhà sinh vật học Kelly Haston chia sẻ bà cảm thấy tự hào và vinh dự khi được tham gia hành trình “mở lối cho con người khám phá và sinh sống trên sao Hỏa”.

Đây là thí nghiệm đầu tiên trong chuỗi thí nghiệm Mô phỏng khám phá hiệu suất và sức khỏe phi hành đoàn (CHAPEA) nhằm giúp NASA đưa con người trở lại mặt trăng và xa hơn là sao Hỏa. Giám đốc Kỹ thuật NASA Julie Kramer khẳng định thí nghiệm mô phỏng điều kiện sống sao Hỏa mang đến cơ hội tìm hiểu tất cả yếu tố quan trọng, từ đó giúp nỗ lực đưa con người lên sao Hỏa và trở lại trái đất an toàn hơn rất nhiều.

Giám đốc Kỹ thuật NASA cho biết các sứ mệnh tiếp theo trong khuôn khổ của CHAPEA dự kiến diễn ra vào năm 2025 và 2027. NASA sẽ phân tích dữ liệu thu thập được và sử dụng chúng cho các hoạt động thám hiểm không gian trong tương lai. Cơ quan này đang dẫn đầu chương trình Artemis, với kế hoạch đưa con người trở lại mặt trăng trong những năm 2030. Mục tiêu dài hạn của Artemis là thiết lập căn cứ lâu dài trên mặt trăng để làm bệ phóng cho sứ mệnh chinh phục sao Hỏa.