Ông Châu cho hay, so với giá bản quyền sóng World Cup 1998 và World Cup 2002, mức giá FPT trả cho một công ty đại diện cho FIFA để được độc quyền bản quyền sóng World Cup 2006 cao hơn nhiều. Song nếu tính theo số khán giả được quyền theo dõi World Cup 2006 thông qua Đài Truyền hình VN (VTV) và Đài Truyền hình TPHCM (HTV) ở VN, mức giá trên là rất thấp, bởi diện phủ sóng có thể đáp ứng nhu cầu của hơn 80 triệu dân VN. Nó rẻ hơn 75 lần so với giá mua bản quyền ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, trừ Lào và Campuchia được phát sóng miễn phí.
Hiện tại, FPT đã trao quyền phát sóng 64 trận đấu, hình ảnh, logo, nhạc nền… của World Cup 2006 cho VTV và HTV. Trường hợp Truyền hình kỹ thuật số VN (VTC) muốn mua bản quyền phát sóng, FPT buộc phải tham vấn ý kiến của VTV và HTV. Nếu 2 đối tác này đồng ý chia sẻ sóng cho VTC, FPT mới được phép bán bản quyền. Ngược lại, nếu không được sự đồng ý của VTV và HTV, chỉ cần VTC sử dụng một hình hiệu, nhạc nền, trích đoạn hình ảnh… của một trận đấu tại World Cup 2006, FPT có thể kiện VTC ra tòa vì vi phạm bản quyền. Các đài truyền hình địa phương nếu được phép của VTV và HTV thì hoàn toàn có thể tiếp sóng, nhưng phải giữ logo và không được cắt xén các spot quảng cáo ở trước, trong và giữa trận đấu.
Theo ông Châu, đổi lại việc bán sóng truyền hình World Cup 2006 cho VTV và HTV, FPT được quyền bán các spot quảng cáo trên sóng của 2 đối tác này. Chính vì vậy, đại diện FPT cho rằng hoàn toàn có khả năng FPT sẽ… lỗ, nếu không bán hết các spot quảng cáo trên cho các đối tác quảng cáo. Tuy nhiên, FPT chấp nhận mạo hiểm khi sẵn sàng bù lỗ bằng mức “học phí” lên đến hàng triệu USD, bởi đây là bước khởi đầu cho việc mở rộng hoạt động theo xu hướng Hội tụ số của FPT.
Ngoài bản quyền sóng truyền hình, FPT cũng có quyền phân phối bản quyền tường thuật trực tiếp 64 trận đấu của World Cup 2006 trên sóng phát thanh tại VN.