Bài 6: Chính VFF gây tổn thất cho bóng đá VN

Khởi đầu từ 1996-1997, khi sóng gió lại nổ ra ở VFF, đại hội III tiến hành trong mâu thuẫn tột độ, thanh tra vào cuộc để thanh tra tài chính VFF. Một bộ sậu mới được dựng lên trong cơn hỗn loạn ấy để bóng đá VN làm lại từ đầu – như tuyên bố đầy ấn tượng của ông Trần Bảy, Tổng Thư ký VFF khóa II. Thế nhưng gần 10 năm qua bóng đá VN (BĐVN) đã làm gì để “làm lại từ đầu”?

Đuổi bắt một… cái bóng

Vâng, 10 năm qua VFF không đá bóng mà đuổi bắt một cái bóng, chạy đuổi theo, chụp và vuột; vuột rồi lại chụp! Bởi đơn giản VFF không biết phải “làm lại từ đầu” như thế nào. Cần nhớ rằng, nhiệm kỳ III (năm 1997), Ủy ban TDTT đưa ông Mai Văn Muôn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT, sang làm Chủ tịch VFF. Ông Muôn đã để lại cho lịch sử BĐVN một “tiếng vang” rất lớn bằng tiếng bom nổ ngay trước nhà ông! Các phó chủ tịch VFF lúc đó như các ông Nguyễn Sỹ Hiển, Lê Thế Thọ, Ngô Tử Hà, Trần Thu Đông, tuy ngồi cùng thuyền nhưng ai cũng muốn nhận cho chìm thuyền! Thử hỏi một nội bộ như vậy, thì VFF “làm lại cuộc đời” như thế nào?

Đâu chỉ VFF khóa III, một chuyên gia bóng đá kỳ cựu đã từng nói với chúng tôi rằng cả 5 nhiệm kỳ của VFF đều không tìm nổi một ông chủ tịch, tổng thư ký ra trò. Các nhân sự của VFF do Ủy ban TDTT đưa sang đều thất bại. Thất bại không phải họ chỉ thiếu năng lực mà còn thiếu tư duy làm bóng đá chuyên nghiệp, mỗi người “một cõi”, một mâm, một ghế, làm sao đưa ra những quyết sách đúng! Quyết sách không đúng thì con thuyền BĐVN đi về đâu, ai cũng rõ. Xin dẫn chứng: Người trong nghề ai cũng biết ở khóa III, khóa IV, Tổng Thư ký Phạm Ngọc Viễn bị hai ông ở Ủy ban TDTT qua là Lê Thế Thọ, Ngô Tử Hà và cả ông Trần Duy Ly “đè đầu cưỡi cổ”.

“Con kiến leo cành đa”

Không quy hoạch được công tác cán bộ, Ủy ban TDTT với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước phải chơi trò “con kiến leo cành đa…”, đưa người từ ủy ban qua và chuốc lấy thất bại. Từ ông Trịnh Ngọc Chữ (Phó Tổng Cục trưởng TDTT) đến ông Đoàn Xê (Tổng Giám đốc Đường sắt VN), Mai Văn Muôn, Nguyễn Trọng Hỷ… Với những nhân sự ấy cộng với sự mất đoàn kết triền miên, làm sao đưa tổ chức xã hội này đi trên con đường xã hội hóa được? Cũng phải ghi nhận Ủy ban TDTT rất muốn xây dựng cho được một VFF có tính xã hội cao, có tính độc lập tương đối theo thể chế của FIFA, từng cố gắng đưa ông Hồ Đức Việt, Mai Liêm Trực – những chính khách có uy tín – đứng mũi chịu sào, nhưng rốt cuộc đều thất bại. VFF liên tục bị khủng hoảng nhân sự, điển hình nhất là việc ông Lê Thế Thọ vừa từ chức phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, để lại một khoảng trống làm đau đầu các nhà tổ chức của ủy ban. Trách nhiệm đó phải thuộc về ủy ban, bởi bấy lâu nay họ “giật dây” thất bại. Hơn lúc nào hết, ủy ban phải đứng ra thẳng thắn nhận lấy trách nhiệm, không thể “đánh bùn sang ao”. Có dũng cảm nhận trách nhiệm, chúng ta mới có thể bắt đầu làm lại từ đầu được.

Hệ quả tất yếu của bóng đá chạy theo thành tích

Chiến lược, quyết sách sai từ VFF đã đẩy cả nền BĐVN chạy theo thành tích. Mà đã chạy theo thành tích thì đánh nhau bất tận. Năm năm thử nghiệm bóng đá chuyên nghiệp, chúng ta được hay mất là câu hỏi cần phải được tổng kết, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc. VFF đã làm việc này chưa hay vẫn tiếp tục cuộc thử nghiệm kéo dài này?

Thế nhưng hậu quả ta thấy trước mắt rất rõ ràng: Cầu thủ ngoại thượng vàng hạ cám tràn ngập V-League, giải hạng nhất; những cuộc chuyển nhượng giá trên trời, đẩy giá cầu thủ nội lên chưa từng có; tiền lương, tiền thưởng tăng theo nhưng tiêu cực vẫn đầy rẫy và càng có tổ chức! Đồng tiền lăn cùng trái bóng trong cơ chế nửa nạc nửa mỡ, trong khi chỉ mới có vài CLB hoạt động theo định hướng xã hội hóa bóng đá.

Xì-căng-đan trọng tài, vụ một số cầu thủ U23 VN bán độ tại SEA Games 23, mà sau đó cơ quan điều tra nhảy vào cuộc, lôi ra ánh sáng những vụ việc tày trời, đã cho chúng ta gương mặt tật nguyền của BĐVN.

Hệ quả đó là rất lớn. Xì-căng-đan trọng tài gây chấn động sau V-League 2005 bắt đầu từ trọng tài Lương Trung Việt xộ khám, đến trọng tài FIFA số 1 VN Trương Thế Toàn – người từng được cầm còi tại Olympic Athens – làm chấn động dư luận. Có lẽ câu nói “ấn tượng” nhất năm 2005 trong giới trọng tài thuộc về ông Đoàn Phú Tấn, tại Hội nghị Trọng tài vừa tổ chức ở Đà Nẵng: “Hy sinh nhiều thế mà vẫn còn nhiều vậy à!”. Có thể ông Tấn nói đùa cho vui trong cái cảnh ảm đạm của giới trọng tài, nhưng nó cũng phản ánh bản chất của giới này ở thời điểm nhạy cảm như hiện nay. Mà nói thực ra, nếu cơ quan điều tra làm đến nơi đến chốn, có thể chẳng còn mấy người đủ tư cách cầm còi!

Xì-căng-đan ấy cũng góp phần xóa sổ một đội bóng truyền thống của TPHCM – Ngân hàng Đông Á, đến nỗi nó phải “hóa kiếp” thành Sơn – ĐTLA! Đẩy CLB P.SLNA đến bờ vực thẳm, phá nát một trung tâm bóng đá lớn từng được FIFA, AFC rất chú ý. Nhưng đau đớn nhất là làm BĐVN tổn hao lực lượng nghiêm trọng chưa từng thấy. Từ trại giam, HLV Nguyễn Thành Vinh đã khai ra những chuyện động trời khác, như việc lãnh đạo SLNA chủ trương mua chức vô địch mùa giải 2000 – 2001. Cuộc mua bán, đổi chác đó sẽ còn dính dáng đến bao người nữa, vẫn là câu hỏi cơ quan điều tra đang làm rõ.

Chết từ khi sao “mới mọc”

“Vua” chết, “thầy” chết (các trọng tài, HLV vào trại giam) nhỡn tiền như vậy, mà những “ngôi sao” mới nhú lên như Quốc Anh, Phước Vĩnh, Bật Hiếu, Hải Lâm lần đầu tiên vào đội tuyển, cùng với các “sao” Văn Quyến, Quốc Vượng, Lê Văn Trương vẫn dám bán độ ở cấp đội tuyển! Họ bị đồng tiền chi phối ngay khi vừa học xong bài bản của bóng đá! Bảy “ngôi sao” này gần như là những ngôi “sao băng”, rất khó khăn để đưa họ trở lại sân cỏ sau này. Tổn thất với lực lượng này là vô cùng đau đớn, bởi họ được xem là lớp kế thừa “thế hệ vàng” của BĐVN (nhưng với những gì đang diễn ra từ cơ quan điều tra, “thế hệ vàng” cũng đã có người… nhúng chàm!), BĐVN phải chấp nhận những bước lùi trong tương lai gần, đó là điều khó tránh khỏi.

Những tổn thất đó của BĐVN thuộc về trách nhiệm nhiều khóa của VFF, do đã vạch sai chiến lược cho con thuyền BĐVN.