Không phải chờ đến khi SEA Games 23 kết thúc và một số tuyển thủ U23 Việt Nam rơi vào tầm ngắm của cơ quan điều tra vì có nhiều nghi vấn tiêu cực, đội U23 mới trở thành tâm điểm của dư luận. Những phóng viên theo đội từ lúc còn ở quê nhà cho đến khi sang Philippines đã nhiều lần ngao ngán trước cách sinh hoạt buông thả của một số thành viên. Nhưng những biểu hiện xấu này đã không được những người có trách nhiệm nhắc nhở, uốn nắn kịp thời, để bây giờ, bóng đá VN nói riêng và thể thao VN nói chung có thể sắp chứng kiến một xì- căng- đan khác sau xì-căng-đan trọng tài.
Thiếu quy chế quản lý đội tuyển
Sau thất bại của U23 VN trong trận chung kết trước Thái Lan, Ủy ban TDTT đề nghị toàn đội ngồi lại kiểm điểm nghiêm túc về những ưu, khuyết điểm tại SEA Games 23. Nhưng yêu cầu này khó khả thi vì đội đã “tan đàn” ngay sau khi trở về sân bay Tân Sơn Nhất. Các tuyển thủ trở về CLB chuẩn bị cho mùa bóng mới, ban huấn luyện cũng mỗi người mỗi ngả, còn vị phó đoàn thể thao Việt Nam phụ trách bóng đá – Phó Chủ tịch LĐBĐ VN Lê Thế Thọ – đi công tác nước ngoài. Trong khi đó, HLV trưởng A. Riedl, có lẽ buồn chán trước nghi án mới của đội sau khi mất trợ lý Nguyễn Thành Vinh, đã xin nghỉ phép bắt đầu từ đêm qua, 14-12.
Trước hình ảnh này, chúng tôi đặt vấn đề về cơ chế tổ chức quản lý các đội tuyển bóng đá. Các quan chức LĐBĐ VN hiện nay đều nói rằng mỗi đội tuyển đều có biện pháp quản lý riêng, tùy theo ban huấn luyện. Nhưng theo ông Nguyễn Sỹ Hiển, nguyên Trưởng Ban Các đội tuyển thuộc LĐBĐ VN, người từng làm trưởng đoàn bóng đá VN dự các kỳ SEA Games, Tiger Cup, vòng loại World Cup, sau thất bại ở SEA Games 21 (đội U21 bị loại ngay vòng đấu bảng), Ban Các đội tuyển đã soạn thảo một quy chế dài hơn 20 trang giấy, quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của từng thành viên trong đội, quy định thưởng phạt bằng tiền, mối quan hệ giữa cầu thủ với HLV, giữa các trợ lý với HLV trưởng… Nhưng sau khi quy chế được Ban Các đội tuyển hoàn thành và trình lên Ủy ban TDTT, không rõ lý do gì cho đến giờ, bản dự thảo vẫn còn là dự thảo.
Nơi ở lộn xộn
Trở lại thực tế với tình hình của đội tuyển trong thời gian diễn ra SEA Games, chúng tôi cảm nhận được ngay những dấu hiệu bất ổn khi đội đặt chân đến khách sạn Circle Inn ở Bacolod. Tuy nơi đây được ban tổ chức địa phương bảo vệ an ninh khá chặt chẽ, nhưng bên trong, không hiểu lý do gì đội U23 lại sắp xếp chỗ ở thiếu hợp lý. Thay vì chọn một dãy phòng hoặc một khách sạn cách biệt để dễ quản lý như các kỳ SEA Games trước, các thành viên của đội U23 lại được phân vào 2 dãy phòng ở tầng 1 và tầng 2. Trong đó, các tuyển thủ kỳ cựu như Văn Quyến, Văn Trương, Quốc Vượng… được bố trí ở tầng 2. Điều đáng nói ở đây là phòng của các tuyển thủ kể trên lại cùng dãy với các phòng của nhóm phóng viên VN, ở cuối dãy lại có nhiều khách lạ thuê phòng. Chính nơi ở lộn xộn cùng phong cách thiếu chuyên nghiệp ở một số tuyển thủ đã “tiếp tay” để vài cầu thủ U23 lén ra ngoài khách sạn đi chơi, hút thuốc, ăn nhậu và xuất hiện tin đồn các cầu thủ này dám “rước” cả gái về phòng bất chấp quy định họ phải đi ngủ trước 22 giờ.
Báo chí cũng có phần ?
Trong nghi án của U23 VN tại SEA Games 23, cơ quan điều tra cũng không loại trừ sự tiếp tay từ một vài con sâu trong đội ngũ báo chí. Sau khi phóng viên Minh Hải của báo điện tử VnExpress làm việc với cơ quan điều tra vào ngày 13-12 và tuyên bố hoàn toàn vô can, lại xuất hiện một nguồn tin có ít nhất 2 phóng viên trẻ tiếp tay cho các cuộc “ăn chơi” của một số cầu thủ U23 VN.
Đây không phải là lần đầu tiên một nghi án của đội U23 có liên quan đến báo chí. Năm 2001, sau thất bại của đội ngay vòng đấu bảng SEA Games ở Malaysia, cánh nhà báo đã kháo nhau về chuyện một số tuyển thủ trụ cột được một phóng viên cho mượn điện thoại di động và tặng thẻ sim để liên lạc về VN dù ban huấn luyện đã tịch thu điện thoại và thẻ sim. Trợ lý cho HLV trưởng người Brazil Dido thời ấy là ông Vũ Tiến Thành dường như cũng biết điều đó nhưng lại cho qua…
Rõ ràng, những sai phạm của các cầu thủ, ở đây chúng tôi chưa kể đến nghi án bán độ, không phải là hiện tượng đơn lẻ mới xuất hiện lần đầu tại SEA Games 23. Nhưng do thiếu những quy định mang tính thống nhất, nên trật tự kỷ cương của tập thể này đã bị buông lỏng dẫn đến việc người hâm mộ buồn vì thua trận thì ít, mà giận dữ trước những hành động thiếu chuyên nghiệp của những tuyển thủ đang khoác trên mình trọng trách quốc gia thì nhiều…