– Có những thông tin cho rằng ngay khi còn ở Bacolod, ông đã lắc đầu ngán ngẩm trước màn trình diễn của U-23. Thậm chí trong trận đấu bán kết trước U23 Malaysia, dù đội nhà thắng trận nhưng ông cũng không xuống bắt tay, động viên các cầu thủ ?
– Tôi bị stress dẫn đến đau dạ dày. Xem trận đấu mà thót tim quá, đã từng bị bom B52 quần thảo mà cũng chưa bao giờ lo lắng đến như thế. Nếu thua trận bán kết đó thì chắc chắn chiếc ghế Chủ tịch VFF của tôi cũng chẳng còn. Tình hình còn tồi tệ hơn bây giờ nhiều.
– Vậy liệu có chăng vì căn bệnh thành tích mà cá nhân ông nói riêng và VFF nói chung đã không dám mạnh tay với các cầu thủ trụ cột nổi loạn khi họ có những biểu hiện bán độ ?
– Lúc đó, tôi không nghĩ đến bán độ mà chỉ cho rằng khả năng chuyên môn, sức lực của cầu thủ mình chỉ đến mức độ đó thôi sau khi đã bị vắt kiệt sức cho 4 trận đấu liên tiếp trong 7 ngày. Là con người ai chẳng phải biết sợ. Đang lúc nước sôi lửa bỏng thế, báo chí ngày ngày đều đưa thông tin về tiêu cực, bắt bớ mà các cầu thủ vẫn còn làm thế (nếu đúng là sự thật) thì VFF đành chịu, trông chừng cầu thủ đến 24 giờ là phải đi ngủ mà các cầu thủ cứ đợi sau 24 giờ mới đi thì biết làm thế nào.
Phải để các cơ quan pháp luật vào cuộc thôi. Bây giờ mọi việc đã qua rồi, mọi người ai cũng nói khi các cầu thủ không chịu nỗ lực hết mình đáng nhẽ ra VFF phải trừng trị thẳng cánh: nhóm họp Ban huấn luyện và các cầu thủ lại, nói rõ ai không vì màu cờ sắc áo của Việt Nam thì đứng sang một bên, ngày mai sẽ lên đường về nước. Tuy nhiên, vào thời điểm đó thì khó lắm, đâu có đơn giản như thế được.
– Càng ngày càng có nhiều thông tin cho rằng đội U23 có đến vài nhóm các cầu thủ với những “suy nghĩ” khác nhau. Họ đá bóng người thì vì tiền, người thì vì 1-2 quan chức lãnh đạo hay thành viên Ban huấn luyện nào đó trong khi số khác lại chỉ vì không thích 1-2 đồng đội nào đó nên “vùi dập”, không chịu phối hợp, không chịu chuyền bóng cho nhau. Ông bình luận gì về vấn đề này ?
– Đó chính là điểm yếu của đội tuyển quốc gia, đội U23 Việt Nam. Các cầu thủ đã không thể gạt ra khỏi đầu những động cơ cá nhân để thi đấu vì màu cờ sắc áo, vì danh dự của đất nước. Trong thời gian tới, tiêu chí đạo đức cầu thủ, ý thức tập luyện và thi đấu hết mình mới là yếu tố quan trọng số 1 để lựa chọn các cầu thủ lên đội tuyển thay vì yếu tố chuyên môn như trước đây. VFF đã bắt tay vào xây dựng Quy chế đội tuyển quốc gia mới. Còn về việc như anh vừa hỏi liên quan đến chuyện có những sự không ăn khớp trong Ban huấn luyện, trong nội bộ các lãnh đạo Liên đoàn thì tôi phải tâm sự thật là việc đó rất khó loại trừ. Nếu như bên Ủy ban này (ông Hỷ là Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT), tôi quyết đơn giản làm, cứ đúng việc mà làm thôi.
Tuy nhiên, ở bên Liên đoàn là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp lại là chuyện khác. Anh Thọ đã về hưu, anh Dũng thì là Chủ tịch HĐQT của một công ty nhà nước thuộc Thành ủy TPHCM, anh Vinh là Tổng biên tập một tờ báo (3 ông Lê Thế Thọ, Lê Hùng Dũng, Vũ Quang Vinh là Phó Chủ tịch VFF phụ trách các mảng Chuyên môn, Tài chính – Tiếp thị, Truyền thông – Đối ngoại – PV). Tôi mới về Liên đoàn không nhiều thời gian mà tôi đã nghe được thông tin phản ánh về một số vấn đề liên quan rằng: “Việc đó là do ông Hỷ Chủ tịch quyết chứ tôi có quyết đâu”. Khó làm lắm, may mà tôi còn làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT nên có thể điều binh khiển tướng ở 36 Trần Phú này (UBTDTT có địa chỉ ở 36 phố Trần Phú, Hà Nội – PV) chứ không thì còn chưa biết tình hình sẽ đi đến đâu.
– Vậy ông có những ý tưởng nào trong việc tái thiết một đội U23, một đội tuyển quốc gia mạnh trong tương lai ?
– Trước mắt thì VFF sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề sau: Thứ nhất, lựa chọn các tuyển thủ quốc gia có tư cách đạo đức, lối sống tốt. Lên tuyển là rèn luyện gian khổ, là vì màu cờ sắc áo quốc gia chứ không phải để hưởng thụ. Thứ hai, sẽ củng cố lại Ban huấn luyện người Việt Nam theo hướng bên cạnh yếu tố chuyên môn sẽ chọn được một người nói được các cầu thủ, phát huy đầy đủ vai trò là một cầu nối giữa Liên đoàn, HLV trưởng người nước ngoài và các cầu thủ.
– Xin cảm ơn ông.