Thụ động và cá tính
Không ai phủ nhận các trợ lý cho ông Riedl gồm HLV Lê Thụy Hải, Hoàng Gia, Trần Văn Khánh là những người có trình độ khá giỏi về chuyên môn, đều là những cựu cầu thủ xuất sắc của 20, 30 năm trước mà thế hệ đàn em hiện nay luôn coi đó như một tấm gương để phấn đấu. Những HLV như thế sẽ phát huy tốt năng lực của mình nếu đơn thuần họ chỉ là những người làm chuyên môn và được tạo điều kiện làm tốt các chức năng nhiệm vụ giúp đỡ cầu thủ về kỹ, chiến thuật trong đội tuyển. Thế nhưng, ngoài HLV Trần Văn Khánh chuyên trách thủ môn hết lòng với mảng việc của mình và cũng chẳng đụng chạm với ai thì 2 vị trợ lý còn lại gần như không tìm được tiếng nói chung với ông thầy người Áo.
Trở ngại lớn nhất chính là sự thụ động. Sau khi HLV Nguyễn Thành Vinh không còn ở đội tuyển nữa thì lẽ ra chức danh trợ lý thứ nhất phải thuộc về HLV Hoàng Gia. Nhưng trong một thời gian dài, ông Gia chưa tạo được niềm tin lớn, chưa có được sự đồng thuận nơi ông Riedl và gần như chỉ là một trợ lý đảm đương những việc chưa đúng tầm dẫn đến việc thực hiện các bài tập mẫu cho cầu thủ một cách gượng gạo và cũng chẳng dám phát biểu một điều gì. Đúng ra, HLV Hoàng Gia cần phải chứng minh cho ông Riedl thấy vai trò trợ lý thực sự cũng như khả năng chuyên môn của mình thì gần như ít bao giờ thấy ông đặt vấn đề hoặc đề nghị HLV Riedl có một cuộc nói chuyện thẳng thắn hoặc trao đổi sòng phẳng nhằm giúp đội tuyển tiến bộ hơn. Ngoài ra, cũng hiếm thấy HLV Hoàng Gia gần gũi và sâu sát với cầu thủ. Có lẽ vì thế mà có rất nhiều thông tin như vụ tiền thưởng, tự các cầu thủ đã đến phòng HLV Riedl nhờ can thiệp hoặc đòi kiến nghị thẳng đến LĐBĐVN mà bỏ qua vai trò của HLV Hoàng Gia và BHL người Việt. Có thể thông cảm với HLV Hoàng Gia vì do ông chưa có nhiều năm nắm qua một CLB lớn, thiếu kinh nghiệm quản lý chuyên môn và bản lĩnh của một nhà cầm quân để điều hành chung nên chưa đạt đến mức mong đợi. Nhưng thái độ thụ động của HLV này đã càng làm cho tình hình chung xấu đi khiến cho người ta tự hỏi không hiểu các trợ lý HLV ở đâu xung quanh vụ các cầu thủ đòi dọa không đá hết mình trận bán kết và chung kết.
Với HLV Lê Thụy Hải thì ai cũng thấy “không có sự bằng mặt lẫn bằng lòng” với HLV Riedl. Trách nhiệm ở đây thuộc về LĐBĐVN khi đặt ông Hải vào vị trí thay cho ông Vinh khiến khó cho ông Hải và cả ông Riedl. Khó cho ông Hải ở chỗ như ông từng tâm sự: “Tôi đã làm hơn 10 CLB, đều làm trưởng và chưa bao giờ làm phó cho ai cả. Nhưng với HLV ngoại thì đây là lần đầu tiên”. Nhưng sau khi thấy ông Riedl có vẻ không mặn mà lắm với sự xuất hiện của mình thì ông Hải “lơ” luôn và ông thể hiện cá tính ra mặt là không xin việc, không phản ứng nhưng cũng chẳng tập trung hết mình cho công việc. Ông Riedl phân gì thì ông làm nấy, không phân thì đứng trên sân làm những việc mà rất nhiều phóng viên có mặt tại Bacolod đã chứng kiến là đi nhặt bóng, cố ý đứng cách rất xa với ông Riedl bởi đứng gần thì “cũng chẳng được giao việc gì”. Còn khó cho ông Riedl ở chỗ ông thầy này nghi ngờ việc ông Hải được bổ sung thay ông Vinh không phải là dụng ý tốt của một vài quan chức có trách nhiệm trong LĐ, giống như một dạng “tình báo” cài vào để gây thêm bực bội cho ông. Có lẽ vì suy nghĩ như thế nên ông thầy người Áo gần như không muốn hợp tác với ông Hải, nói chuyện qua loa với nhau vài câu rồi sau đó mạnh ai người nấy làm!
Phải để HLV trưởng chọn bộ máy
Điều mà LĐBĐVN trước đây thường sợ đội tuyển rơi khỏi tay mình khi giao trách nhiệm cho HLV ngoại là bao giờ cũng đề nghị được giới thiệu một số HLV nội trong vai trò trợ lý để dễ dàng kiểm soát, tránh sự cố như bài học của Tavares. Nhưng trên thực tế, việc bố trí HLV nội chưa được LĐ quan tâm đúng mức. Phần lớn các HLV nội đều thiếu ngoại ngữ nên đó là cái yếu lớn nhất trong việc trao đổi hai chiều với HLV ngoại cũng như không nắm bắt được tư tưởng truyền đạt nhiều khi dẫn đến “tam sao thất bổn”. Thứ hai là nhiều HLV nội chưa xác định đúng đắn vai trò của mình, chưa quan tâm đến những diễn biến tâm lý của cầu thủ, chưa kịp thời giải quyết những bất thường, còn lơ là trách nhiệm hoặc chạy theo những đòi hỏi quá đáng của cầu thủ. Thứ ba là việc chọn HLV nội tham gia đội tuyển của LĐ còn rất cảm tính, có HLV được chọn vào nhưng chỉ là một dạng “có suất chia phần”, chưa thực sự vì cái chung.
Chính vì cách làm của LĐ nên BHL người Việt thường khó tìm được tiếng nói chung với HLV trưởng. Bản thân ông Riedl do không trực tiếp chọn ra thành phần trợ lý cho mình nên cũng không thật sự có niềm tin với ê-kíp mà ông hợp tác. Trên thế giới hiện nay khi chọn đội tuyển phải để cho HLV trưởng có toàn quyền đề nghị danh sách trợ lý cho mình cũng như danh sách đội tuyển. Chúng ta chỉ mới đảm bảo ở phần cầu thủ nhưng phần BHL thì chưa. Trước đây, ông Calisto từng chọn ê-kíp trợ lý cho mình ở Tiger Cup 2002 thì gặp phải sự chống đối từ phía LĐ khóa IV dẫn đến việc loại ông ra. Bây giờ thì Riedl tuy “dễ bảo, dễ nghe” nhưng thực tế cho thấy ông thầy người Áo bắt đầu cảm thấy không thể tiếp tục như thế nữa. Nếu LĐ còn tin dùng ông, tiếp tục kéo dài hợp đồng thì nên để Riedl chọn cho mình bộ máy mới, còn nếu cảm thấy không thể tiếp tục nữa thì cho dù là HLV ngoại hay nội nào sau này thì tốt nhất nên để họ chịu trách nhiệm cao nhất về thành phần lựa chọn của mình.