Một nghiên cứu mới đẫn dầu bởi GS PEI Shuwen từ Viện Cổ sinh vật học có xương sống và cổ nhân loại học (IVPP) thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc và GS Ignacio de la Torre từ Viện Lịch sử thuộc Hội đồng nghiên cứu Tây Ban Nha đã làm thay đổi dòng thời gian tiến hóa của loài người.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học PNAS, họ đã phân tích một kho tàng hiện vật quý giá được khai quật từ lưu vực Nihewan (tỉnh Hồ Nam – Trung Quốc) và phát hiện ra chúng đã 1,1 triệu năm tuổi.
Bất ngờ hơn, công nghệ chế tác số công cụ thời đại đồ đá này là Mode 2, một phương thức chế tác tiên tiến hơn Mode 1 sơ khai.
Mode 2 đặc trưng bởi một số kỹ thuật làm bong tróc các mảng trên khối đá một cách có chủ ý, với một quy trình sản xuất được tiêu chuẩn hóa. Ngoài ra một số công cụ còn xuất hiện lỗ khoan.
Rất nhiều mảnh đá vụn được tách ra khỏi công cụ khi chế tác cũng được tìm thấy, với độ tương đồng nhất định và cung cấp bằng chứng thuyết phục về sự tiêu chuẩn hóa này, theo SciTech Daily.
Mode 2 đánh dấu bước nhảy vọt trong công nghệ của loài người sơ khai, phức tạp, công phu và hữu dụng hơn nhiều so với Mode 1 tiền nhiệm.
Trước đây, người ta tin rằng công nghệ ở khu vực Đông Á trong một thời gian dài vẫn được chế tác kiểu Mode 1.
Phát hiện nói trên đem đến 2 dữ liệu mới quan trọng: Một là các loài người cổ đã xuất hiện ở Đông Á, cụ thể là khu vực ngày nay là Trung Quốc, sớm hơn hiểu biết trước đây rất nhiều.
Hai là, họ sở hữu công nghệ rất tiên tiến, phát triển kỹ năng chế tác công cụ Mode 2 sớm hơn ít nhất 300.000 năm so với các dữ liệu cũ.
Như vậy, Đông Á có thể không phải là nơi đầu tiên trên địa cầu Mode 2 xuất hiện, tuy nhiên là một trong những nơi sớm nhất mà những con người mang công nghệ này tìm đến và định cư. Vì thế, lịch sử loài người có thể một lần nữa cần viết lại.