Thực hư thông tin siêu thị Anh dừng bán thanh long Việt Nam

Trước thông tin một số siêu thị tại Anh dừng bán thanh long Việt Nam, ngày 4-9, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), cho biết vừa đề nghị đầu mối SPS của Vương quốc Anh cung cấp hồ sơ đánh giá rủi ro đối với thanh long của Việt Nam. 

“Việt Nam đặc biệt quan tâm đến chất lượng nông sản và quản lý an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, tổ chức sản xuất theo tín hiệu thị trường nên thanh long của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ. Riêng thị trường Anh, 6 tháng đầu năm 2023, Văn phòng SPS Việt Nam chưa nhận được cảnh báo nào về việc thanh long của Việt Nam vi phạm quy định về SPS” – TS Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.

Do đó, Văn phòng SPS đề nghị Vương quốc Anh giữ nguyên tần suất kiểm tra thanh long của Việt Nam cho đến khi 2 bên có đầy đủ căn cứ thay đổi tần suất.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, thanh long Việt Nam có chất lượng rất tốt, được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và Liên hiệp Anh. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU 2.000 tấn thanh long tươi và đông lạnh.

Riêng thị trường Anh, lượng thanh long xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2020 là gần 6 tấn, năm 2021 tăng lên gần 156 tấn, năm 2022 gần 185 tấn và năm 2023 đã đạt hơn 253 tấn (cập nhật đến tháng 7).

Qua hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF), các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như cơ quan hữu quan Việt Nam có thể tra cứu thông tin cảnh báo các vi phạm về an toàn thực phẩm với thị trường EU. Với thị trường Liên hiệp Anh, đến nay, Việt Nam chưa nhận được thông báo vi phạm nào.

Tuy nhiên, mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Anh thông tin Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) và Cục Tiêu chuẩn thực phẩm Scotland (FSS) đang tham vấn công khai về sửa đổi quy định pháp lý liên quan việc kiểm định trái thanh long Việt Nam. 

Theo đó, FSA và FSS dự kiến đưa trái thanh long Việt Nam từ Phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi xuất khẩu) sang Phụ lục I (sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường). Nguyên nhân được đưa ra là thanh long Việt Nam có dư lượng thuốc trừ sâu, tiềm ẩn rủi ro cao cho sức khỏe người tiêu dùng.

Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng cho hay một số siêu thị ở vương quốc này đã dừng bán thanh long Việt Nam để chuyển sang bán thanh long Campuchia hoặc Tây Ban Nha.