Sốc với khung cảnh giống Hawaii ở thế giới ngoài hành tinh

Bột phân tích mới về dữ liệu từ thiết bị lập bản đồ cực quang hồng ngoại Jovian (JIRAM) trên tàu vũ trụ Juno của NASA đã tiết lộ những “vòng nhiệt” bí ẩn phủ khắp mặt trăng Io của Sao Mộc – thế giới ngoài hành tinh “cuồng nộ” nhất Thái Dương hệ.

Trong hệ Mặt Trời chúng ta, Io – mặt trăng lớn thứ tư của hệ – là nơi duy nhất ngoài Trái Đất có các ngọn núi lửa đang phun trào dung nham nóng.

Thế giới này có hơn 400 ngọn núi lửa đang hoạt động, được hình thành và “giữ lửa” do sự nóng lên của thủy triều, lực hấp dẫn từ Sao Mộc và các mặt trăng khổng lồ khác gần đó.

Mặc dù có nhiều giả thuyết về các dạng phun trào núi lửa trên thế giới ngoài hành tinh lạ lùng này nhưng lại có rất ít dữ liệu hỗ trợ.

Theo TS Alessandro Mura, thành viên nhóm sứ mệnh Juno, những gì tàu vũ trụ vừa ghi nhận là bằng chứng rõ ràng về một cấu trúc quen thuộc ở Trái Đất: Hồ dung nham.

“Tại khu vực bề mặt Io mà chúng tôi có dữ liệu đầy đủ nhất, ước tính khoảng 3% bề mặt được bao phủ bởi một trong những hồ dung nham nóng chảy này. Đó một miệng núi lửa lớn được hình thành khi núi lửa phun trào và sụp đổ” – TS Mura tiết lộ.

Dữ liệu mới không chỉ làm nổi bật trữ lượng dung nham dồi dào trên Io mà còn cung cấp cái nhìn thoáng qua về những gì có thể đang diễn ra bên dưới bề mặt, bao gồm sự tuần hoàn của dòng dung nham.

Hình ảnh hồng ngoại của một số hồ dung nham Io cho thấy một vòng dung nham mỏng ở ranh giới, giữa lớp vỏ trung tâm bao phủ phần lớn hồ dung nham và thành hồ.

Theo TS Mura, sự phổ biến của các “vòng nhiệt” có thể cho thấy loại hoạt động núi lửa phổ biến nhất trên Io có thể là sự dâng trào từ các hồ dung nham khổng lồ này.

Lớp dung nham buộc phải vỡ ra khỏi thành hồ, tạo thành vòng dung nham điển hình, vốn được thấy ở các hồ dung nham ở Hawaii, hòn đảo du lịch không chỉ nổi tiếng với các bãi biển cát trắng mà còn với công viên núi lửa ngoạn mục.

Điều này một lần nữa cho thấy hoạt động núi lửa trên Io có thể giống Trái Đất đến mức nào.

Vì vậy, Io cũng là một “phòng thí nghiệm” xuyên thời gian để nhân loại hiểu thêm về Trái Đất thời kỳ đầu, khi hoạt động núi lửa còn tàn khốc và thường xuyên hơn ngày nay rất nhiều.

Các phát hiện mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.

Io cùng 3 “mặt trăng Galilean” khác của Sao Mộc là Europa, Ganymede và Calisto là những thế giới ngoài hành tinh được giới khoa học “chăm sóc” kỹ lưỡng, bởi mỗi cái đều có đặc tính riêng.

Europa được cho là một trong những miền đất hứa hàng đầu cho sự sống ngoài hành tinh, trong khi Ganymede to lớn hơn cả Sao Thủy và có từ trường mạnh mẽ. Ganymede và Calisto cũng được cho là có khả năng sinh sống dù thấp hơn Europa.