Beryl mạnh lên thành siêu bão cấp 5 hôm 1-7, tức có sức gió trên 252 km/giờ theo thang bão Saffir-Simpson khu vực này sử dụng. Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) mô tả đây là cơn bão “có khả năng gây thảm họa”.
Beryl đã gây thiệt hại nặng cho nhiều đảo quốc ở Caribe như Grenada, St. Vincent và Grenadines… với những trận mưa như trút nước và gió mạnh, làm đổ đường dây điện, đập vỡ xe cộ và buộc hàng ngàn người phải vào nơi trú ẩn.
Cuối ngày 1-7, Thủ tướng Ralph Gonsalves của đảo quốc St. Vincent và Grenadines cho biết trên đảo Union, 90% nhà cửa đã bị tốc mái hoặc hư hỏng nặng. Tại Grenada xảy ra mất điện và gián đoạn liên lạc trên diện rộng.
Siêu bão Beryl mang đến sự khởi đầu sớm và dữ dội bất thường cho mùa bão Đại Tây Dương năm nay, vốn đã được NOAA dự báo là “hoạt động cực mạnh”, chủ yếu do sự kết hợp giữa nhiệt độ kỷ lục của Đại Tây Dương và chu kỳ khí hậu La Niña đang phát triển ở vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương.
Theo trang Axios, Beryl đã phá vỡ các kỷ lục về khả năng tăng sức mạnh nhanh chóng, cả về sức mạnh tổng thể lẫn thời điểm hình thành.
Theo Trung tâm Bão quốc gia Mỹ (NHC), đây là lần thứ hai một cơn bão Đại Tây Dương đạt đến cấp 5 vào tháng 7 – trước đó là siêu bão Emily, được ghi nhận vào ngày 17-7-2005. Ngoài ra, Beryl mạnh lên từ một vùng áp thấp nhiệt đới thành một cơn bão mạnh chỉ trong vòng 42 giờ, một hiện tượng chỉ được ghi nhận 6 lần trước đây trong lịch sử bão Đại Tây Dương.
Hiện tượng tăng cấp nhanh chóng – xảy ra khi tốc độ gió của một cơn bão tăng ít nhất 35 dặm/giờ (56,3 km/giờ) trong vòng 24 giờ – được cho là có liên quan đến biến đổi khí hậu. Nhiệt độ bề mặt biển ấm hơn nên cung cấp nhiều năng lượng hơn cho các cơn bão, khiến chúng mạnh lên một cách nhanh chóng.
Nhà khoa học khí hậu Michael Mann giải thích với tạp chí Forbes rằng các vùng nước ấm bất thường do biến đổi khí hậu ở vùng Caribe là yếu tố chính thúc đẩy Beryl mạnh lên quá nhanh.