Dấu hiệu sự sống trên Sao Hỏa: Tin xấu từ robot NASA

Theo SciTech Daily, những vật liệu được kỳ vọng là dấu vết của sự sống này được thu thập bởi tàu đổ bộ dạng robot Curiosity của NASA, đang hoạt động ở khu vực Gale Crater, nơi có thể từng là một đồng bằng ẩm ướt.

Một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi GS Yuichiro Ueno từ Viện Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) và GS Matthew Johnson từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) vừa đưa ra một tin xấu.

Bài công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience cho biết họ đã phát hiện chất hữu cơ này có tỉ lệ đồng vị carbon-13/carbon-12 thấp hơn đáng kể so với những gì được tìm thấy trên Trái Đất.

Chất hữu cơ trên Trái Đất chủ yếu liên quan đến các quá trình sinh học, nhưng đối với môi trường Sao Hỏa, một cơ chế khác có thể tạo ra điều đó.

Khí carbon dioxide (CO2) chứa cả carbon-12 và carbon-13 ở tầng trên bầu khí quyển Trái Đất và Sao Hỏa đều có thể bị phân ly thành CO và đồng vị carbon-13.

Trong bầu khí quyển mang tính khử của sao Hỏa, CO mang theo carbon-12 biến đổi thành các hợp chất hữu cơ đơn giản như formaldehyd và axit cacboxylic, trong khi carbon-13 ở lại với CO2 trong bầu khí quyển.

Trong thời kỳ đầu của Sao Hỏa, với nhiệt độ bề mặt gần với điểm đóng băng của nước và không vượt quá 27°C, các hợp chất này có thể đã hòa tan trong nước và lắng đọng trong trầm tích.

Đó là lý do có sự khác biệt về tỉ lệ đồng vị so với các chất hữu cơ được tạo thành bởi sinh vật sống.

Phát hiện này không khẳng định là Sao Hỏa không có sự sống, nhưng làm giảm bớt hy vọng cảnh báo rằng một lượng lớn chất hữu cơ trên Sao Hỏa không phải do sự sống tạo ra, mà là do các quá trình tự nhiên.

Và sẽ không ngạc nhiên nếu các sứ mệnh tiếp theo của NASA hay các cơ quan vũ trụ khác tìm thấy lượng chất hữu cơ dồi dào trên bề mặt Sao Hỏa.

Có lẽ mấu chốt của vấn đề là sự phát triển các công nghệ nhằm phân định loại chất hữu cơ nào do sự sống tạo nên, loại nào có nguồn gốc từ môi trường khác biệt của Sao Hỏa.