Tọa đàm “Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng” đã được Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức sáng 29-5, tại Hà Nội.
Theo PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, nhu cầu sử dụng các loại TPCN để bảo vệ, tăng cường sức khỏe không ngừng tăng cao, cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, mạng xã hội.
Nhận diện quảng cáo lừa dối, phóng đại
Tuy nhiên, thực trạng nhức nhối trong ngành TPCN hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khiến người dùng “tiền mất, tật mang”, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả”.
Các sản phẩm TPCN được rao bán, quảng cáo trên nhiều sàn thương mại điện tử, đặc biệt là trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok, YouTube với vô vàn chủng loại khác nhau. Nhiều sản phẩm được quảng cáo như “thần dược”, khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận”, sẵn sàng chi nhiều tiền để mua.
Theo thống kê của Hiệp hội TPCN Việt Nam, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử… là “trá hình” thực phẩm chức năng.
Nói đến vấn nạn quảng cáo lĩnh vực này, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chia sẻ: “Tôi choáng váng về những vi phạm quảng cáo TPCN”.
Ông cho biết cái khó đối với cơ quan quản lý là máy chủ đặt tại nước ngoài. Trên các trang quảng cáo có máy chủ đặt tại nước ngoài có nhiều hành vi vi phạm quảng cáo, đặc biệt, thường có quảng cáo gây hiểu lầm có tác dụng điều trị như: “trị dứt điểm”, “chữa khỏi bệnh”, “cam kết chữa khỏi” “chấm dứt bệnh”…
“TPCN không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Nếu có bất kỳ quảng cáo nào khẳng định như vậy là hành vi gian dối. Các nội dung này không bao giờ được cơ quan quản lý cấp phép khi thẩm định hồ sơ”- PGS Phong khẳng định.
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết một trong những nguyên nhân của việc bùng nổ các hình thức quảng cáo là do thói quen thích xem nội dung miễn phí của người dân.
Với các quảng cáo trên không gian mạng, những năm qua cơ quan quản lý đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải quảng cáo đúng, nếu vi phạm thì sẽ yêu cầu các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ rút tiền, không quảng cáo trên đó nữa.
Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có công cụ đánh giá các trang vi phạm đạo đức về quảng cáo, đưa các trang này vào danh sách đen bị cảnh báo. Bộ sẽ công bố mạng lưới quảng cáo có nhiều quảng cáo vi phạm, để các doanh nghiệp có sản phẩm tránh quảng cáo.
Đại diện Cục Cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết thêm sẽ có các quy định chặt chẽ hơn với các KOL, người nổi tiếng. Khi quảng bá sản phẩm, họ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm và nội dung quảng cáo không chính xác theo công bố của nhà sản xuất.
Các cá nhân khi quảng cáo có trách nhiệm phải đảm bảo sự phù hợp với các nội dung đã được doanh nghiệp cung cấp.
Tại hội thảo, Hiệp hội TPCN Việt Nam công bố bản Quy chế đạo đức trong quảng cáo TPCN do hiệp hội này ban hành, góp phần chấn chỉnh hoạt động quảng cáo TPCN.
Quy chế chỉ ra cụ thể những hành vi được coi là vi phạm trong quảng cáo TPCN, nêu rõ những chuẩn mực đạo đức trong quảng cáo và biện pháp hạn chế vi phạm đạo đức quảng cáo…