Mỹ sẽ viện trợ bổ sung cho Ukraine tên lửa Anti-Personnel/Anti-Materiel (APAM) – phiên bản cũ của ATACMS tầm xa, một quan chức giấu tên cho biết. APAM có tầm bắn 160 km và có thể mang đầu đạn chứa hàng trăm quả bom chùm.
Ukraine nhận được lô APAM bí mật đầu tiên từ Mỹ vào tháng 9-2023, sau khi Tổng thống Joe Biden phê duyệt kế hoạch cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev.
Theo một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden suốt nhiều tuần tranh luận về việc gửi thêm ATACMS cho Ukraine, trong bối cảnh quốc gia này chật vật trước đà tiến quân của Nga.
Nhà Trắng ngày 12-3 công bố gói viện trợ “khẩn cấp” trị giá 300 triệu USD cho Ukraine, bao gồm đạn pháo.
Một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết lượng ATACMS nêu trên nằm trong gói viện trợ này. Dù vậy, chúng nhiều khả năng không được công khai vì những nỗi lo liên quan đến an ninh.
Khi được hỏi liệu ATACMS có nằm trong gói viện trợ 300 triệu USD kể trên hay không, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đáp rằng ông không có thông báo về chủ đề này.
Ở một diễn biến khác liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) ngày 13-3 nhất trí thông qua gói viện trợ trị giá 5,5 tỉ USD dành cho Kiev.
“Thông điệp rất rõ ràng: chúng tôi sẽ hỗ trợ mọi cách để Ukraine giành chiến thắng” – người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell tuyên bố trên nền tảng X sau quyết định nêu trên.
“Chúng tôi mong đợi quyết định cuối cùng được thông qua tại cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Đối ngoại EU” – Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định.
EU đang thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của họ nhằm tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược. Sau hai năm xung đột Nga – Ukraine, khối này vẫn đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng.
Năm ngoái, EU cam kết cung cấp 1 triệu đạn pháo cho Ukraine trước hạn chót tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, EU đến giờ chỉ mới cung cấp được khoảng 50% mục tiêu này.