OPEC+ tiếp tục siết cung dầu?

Theo hãng tin Bloomberg hôm 2-5, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm và sẽ xem xét liệu có duy trì chính sách này hay không trong cuộc họp sắp tới, dự kiến diễn ra vào ngày 1-6.

Giá dầu thô đã tăng vọt trong tháng trước do lo ngại xung đột ở Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung, làm dấy lên đồn đoán OPEC+ có thể khôi phục sản lượng nhằm xoa dịu thị trường. 

Tuy nhiên, khoảng 87% nhà giao dịch và chuyên gia phân tích được Bloomberg khảo sát dự báo OPEC+ sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng, có thể đến cuối năm nay. 

Ông Richard Bronze, nhà phân tích tại Công ty Nghiên cứu và Tư vấn về thị trường năng lượng Energy Aspects (Anh), cho biết OPEC+ muốn thấy bằng chứng về tình trạng thắt chặt kéo dài trên thị trường dầu mỏ trước khi bắt đầu bổ sung nguồn cung.

Giá dầu đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong 6 tuần qua (quanh ngưỡng 84 USD/thùng) khi thị trường phớt lờ tác động từ cuộc đối đầu giữa Iran và Israel. Trong khi đó, triển vọng thị trường chịu tác động bởi nguồn cung dầu thô dồi dào từ Mỹ, Brazil và Guyana.

Việc giá dầu sụt giảm có thể giúp giảm bớt áp lực đối với người tiêu dùng và các ngân hàng trung ương đang đối mặt tình trạng lạm phát dai dẳng. Tuy nhiên, đó lại là mối lo ngại của nhiều thành viên OPEC+. 

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nếu OPEC+ nới lỏng nguồn cung, thị trường dầu thế giới có thể trở lại tình trạng dư thừa và làm tăng thêm áp lực lên giá cả. Theo hãng tin Reuters, IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024.

Các nhà phân tích tại Cơ quan Tình báo Kinh tế (Anh) cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục do tiêu thụ mạnh ở các quốc gia đang phát triển. Nhu cầu này cùng với căng thẳng địa chính trị khiến giá sàn của dầu ở mức 80 USD/thùng. 

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng giá dầu khó có thể tăng lên 100 USD/thùng trong năm nay bất chấp những bất ổn và biến động về nguồn cung liên quan cuộc khủng hoảng Trung Đông.