Theo Reuters, Bình Nhưỡng gọi tuyên bố chung kể trên là “sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng và vi phạm chủ quyền”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố: “Thảo luận về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hôm nay là một sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng và vi phạm chủ quyền, phủ nhận hoàn toàn chủ quyền bất khả xâm phạm của CHDCND Triều Tiên cũng như Hiến pháp vốn phản ánh ý chí thống nhất của toàn thể người dân Triều Tiên”.
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tìm kiếm sự hợp tác về an ninh tại hội nghị thượng đỉnh 3 bên đầu tiên kể từ năm 2019 tại Seoul vào ngày 27-5. Họ nhắc lại quan điểm về hòa bình và ổn định khu vực, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường không chỉ trích Triều Tiên mà kêu gọi tất cả các bên giảm căng thẳng.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đề nghị Bình Nhưỡng hủy bỏ kế hoạch phóng vệ tinh do thám thứ hai lên quỹ đạo. Triều Tiên trước đó thông báo kế hoạch phóng vệ tinh vào ngày 4-6.
Tháng 11 năm ngoái, Triều Tiên phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên với lý do Mỹ ngày càng gia tăng hoạt động quân sự. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ phóng thêm 3 vệ tinh nữa trong năm 2024.
Ngày 27-5, cảnh sát biển Nhật Bản cho biết thông báo phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng sắp tới đã chỉ định 3 khu vực nguy hiểm trên biển, nơi các mảnh vỡ tên lửa mang vệ tinh có thể rơi xuống. Chúng bao gồm 2 khu vực phía Tây bán đảo Triều Tiên và một khu vực phía Đông đảo Luzon ở Philippines.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol lập luận rằng “bất kỳ vụ phóng nào (của Triều Tiên) sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo sẽ vi phạm trực tiếp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực và thế giới”.