Công bố phát hiện đặc biệt trên tạp chí khoa học Nature Communications, nhóm khoa học gia từ Ý, Mỹ, Úc và Estonia khẳng định các mô hình khí hậu và dữ liệu di truyền đã chỉ ra cao nguyên Ba Tư là nơi những Homo sapiens đầu tiên định cư sau khi rời châu Phi.
Và họ không đơn độc.
Cao nguyên Ba Tư là khu vực từng được con người định cư trong nhiều giai đoạn, trải rộng trên hầu hết diện tích Iran ngày nay cũng như Vịnh Ba Tư và một phần vùng Lưỡng Hà.
Trong cuộc di cư đầu tiên khỏi châu Phi 70.000 năm trước, người Homo sapiens đã chọn khu vực này để định cư trong suốt 20.000 năm.
Homo sapiens, tức “người tinh khôn”, chính là loài của chúng ta.
Phát hiện này cũng được ủng hộ bởi các bằng chứng hóa thạch và các công cụ cổ đại từng được tìm thấy trong khu vực.
Đặc biệt hơn, cao nguyên Ba Tư cũng là nơi có các địa điểm hóa thạch của người Neanderthals có niên đại trùng với sự hiện diện của các cộng đồng Homo sapiens trong cùng thời kỳ.
Neanderthals là một loài người cổ đã tuyệt chủng khoảng hơn 30.000 năm trước, cùng chi Homo (Người) với loài chúng ta.
Theo nhà nhân chủng học Leonardo Vallini từ Đại học Padua (Ý), tác giả chính của nghiên cứu, sự kết hợp Homo sapiens – Neanderthals có thể đã diễn ra trong thời kỳ này, tuy nhiên vẫn không loại trừ khả năng nhỏ là các nhóm này tránh mặt nhau.
Nếu hai cộng đồng này gặp gỡ được nhau, vùng đất này càng trở nên đặc biệt quan trọng trong lịch sử nhân loại. Bởi lẽ các cuộc hôn phối dị chủng với Neanderthals từ lâu đã được biết đến là làm thay đổi đáng kể bộ gene của chúng ta.
Ngày nay, cơ thể người hiện đại vẫn còn trên dưới 2% DNA thừa hưởng từ các vị tổ tiên khác loài này.
Noài ra, cao nguyên Ba Tư cũng chứng kiến giai đoạn quan trọng cho sự đổi mới về văn hóa, kỹ thuật chế tác vũ khí, lối sống… của tổ tiên chúng ta.
Như vậy, không chỉ là cái nôi của các nền văn minh rực rỡ được biết đến qua những dòng lịch sử sơ khai, khu vực này còn là nơi loài người đã trải qua những bước tiến hóa vượt bậc theo mọi mặt.
Từ những phát hiện này, các nhà khoa học kỳ vọng các cuộc tìm kiếm tiếp theo sẽ giúp đem đến nhiều bằng chứng hóa thạch và dữ liệu cổ sinh thái học hơn nữa để lấp đầy các khoảng trống trong lịch sử sơ khai của nhân loại ở vùng thảo nguyên Á – Âu.