Tuy nhiên, báo cáo nêu trên bị che mờ bởi việc sa thải quan chức hải quân cấp cao nhất.
Sách Trắng quốc phòng dài 548 trang năm nay được công bố gần với dịp Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) kỷ niệm 70 năm thành lập vào ngày 1-7-1954.
Tuy nhiên, cột mốc quan trọng này đã bị che phủ bởi loạt bê bối quân sự liên quan đến sai phạm tài chính, tham nhũng cũng như cáo buộc xử lý sai bí mật nhà nước và quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 12-7 cho biết họ đã xử phạt 218 thành viên và quan chức cấp cao của SDF, trong đó có 11 người bị sa thải, 2 bị cách chức và 83 bị đình chỉ.
Những người còn lại bị cắt lương, khiển trách hoặc cảnh cáo.
Sĩ quan hải quân cấp cao nhất, Đô đốc Ryo Sakai, bị sa thải vì bê bối chủ yếu xảy ra ở Lực lượng Phòng vệ Hàng hải (MSDF), theo Straits Times.
Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara ngày 12-7 tuyên bố ông sẽ tự nguyện từ bỏ một tháng lương, nói thêm rằng: “Những sự cố này là sự phản bội lòng tin của công chúng và lẽ ra không bao giờ nên xảy ra. Tôi thật lòng xin lỗi”.
Thủ tướng Fumio Kishida cũng xin lỗi và cho biết ông sẽ không thay thế Bộ trưởng Kihara.
Về Trung Quốc, Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản mô tả quốc gia này là “thách thức chiến lược lớn nhất mà Nhật Bản phải ứng phó bằng sức mạnh quốc gia toàn diện và sự hợp tác với đồng minh Mỹ cũng như các quốc gia cùng chí hướng”.
Sách Trắng cũng lặp lại ngôn từ của những năm trước về chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên và xung đột Nga – Ukraine.
Căng thẳng khu vực đã thúc đẩy Nhật Bản tìm kiếm “sự hợp tác quốc phòng đa phương và đa tầng”, Sách Trắng khẳng định.
SDF đang hứng chịu áp lực nặng nề do tình trạng thiếu nhân lực kinh niên giữa lúc lĩnh vực tư nhân cung cấp mức lương hấp dẫn hơn.
Hình ảnh của SDF còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do môi trường làm việc độc hại. Tình trạng quấy rối quyền lực của các sĩ quan và quan chức dân sự trong SDF đã gây ra vấn đề tâm lý cho cấp dưới, trong khi các vụ tấn công tình dục bị cho là xảy ra thường xuyên.