Vòng trừng phạt mới nhất này nhắm vào gần 300 thực thể và cá nhân, nhằm vào việc Nga lách trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là thông qua các công ty Trung Quốc và một số nơi khác.
Bộ Tài chính Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với gần 200 mục tiêu, trong khi đó Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ định hơn 80 mục tiêu, tạo thành một trong những đợt trừng phạt có quy mô lớn nhất nhắm vào Nga của Washington cho đến nay.
Trong đó, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 20 công ty có trụ sở tại Trung Quốc đại lục và đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc), bởi vì cho rằng các công ty này có liên quan đến việc hỗ trợ Nga trong xung đột ở Ukraine.
Mỹ cáo buộc những doanh nghiệp này đã xuất khẩu sang Nga các mặt hàng có thể giúp chế tạo máy bay không người lái (UAV) như cánh quạt, động cơ và cảm biến, cũng như những công nghệ vi phạm các lệnh trừng phạt trước đây chống Moscow.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố: “Bộ Tài chính liên tục cảnh báo rằng các công ty sẽ phải đối mặt với những hậu quả đáng kể khi cung cấp hỗ trợ vật chất cho xung đột của Nga tại Ukraine”.
Theo hãng tin Reuters, Đại sứ quán Nga tại Washington chưa đưa ra bình luận.
Trong khi đó, ông Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn của đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết chính phủ nước này giám sát việc xuất khẩu các mặt hàng có công dụng kép (quân sự – dân sự) theo luật pháp và quy định.
Đồng thời, ông Lưu nói rằng các tương tác kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga tuân theo quy tắc và nguyên tắc thị trường của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Ông Lưu nhấn mạnh: “Trung Quốc kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp của Mỹ”.
Mỹ và các đồng minh đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hàng ngàn mục tiêu kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trong đó bao gồm cả việc ban hành các lệnh trừng phạt đối với các công ty ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Ngoài Trung Quốc, các lệnh trừng phạt mới cũng nhắm đến các mục tiêu ở Azerbaijan, Bỉ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Slovakia mà họ cáo buộc đã giúp Nga “có được công nghệ và thiết bị rất cần thiết từ nước ngoài”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng trừng phạt hai nhà khai thác tàu tham gia vận chuyển liên quan đến các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Bắc Cực của Nga.
Các lệnh trừng phạt trước đây của Mỹ đối với dự án LNG 2 Bắc Cực tháng trước đã buộc Novatek (nhà sản xuất LNG lớn nhất của Nga) phải đình chỉ sản xuất do dự án thiếu tàu chở nhiên liệu.
Ngoài ra, các công ty con của công ty điện hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga cũng như 12 đơn vị trong công ty Sibanthracite, một công ty Nga khác, cũng bị nhắm đến.
Washington cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với hãng hàng không Pobeda của Nga, một công ty con của hãng hàng không Aeroflot Nga. Bộ Thương mại Mỹ trước đó đã bổ sung hơn 200 máy bay Boeing và Airbus do các hãng hàng không Nga vận hành vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.