Chiếc máy bay XB-1, do Công ty Boom Supersonic (trụ sở tại bang Colorado – Mỹ) chế tạo, vừa hoàn tất chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, qua đó đánh dấu cột mốc quan trọng trên con đường trở lại của máy bay siêu thanh chở khách.
Theo Boom Supersonic, chuyến bay trên diễn ra tại Cảng Hàng không và Vũ trụ Mojave ở bang California – Mỹ vào đầu tháng 3-2024.
Dự án XB-1 được bắt đầu vào năm 2014 với hy vọng mở đường cho việc thiết kế và phát triển máy bay thương mại Overture của công ty. Trả lời phỏng vấn đài CNN ngày 30-3, ông Blake Scholl, Giám đốc điều hành Boom Supersonic, cho biết vài tháng tới sẽ rất hào hứng sau thành công bước đầu của hành trình 10 năm nghiên cứu máy bay siêu thanh.
Chuyến bay đầu tiên của XB-1 đã đạt được tất cả mục tiêu thử nghiệm, trong đó có đạt độ cao 2.170 m an toàn và tốc độ lên tới 439 km/giờ. Cao độ này thấp hơn so với máy bay thương mại và tốc độ cũng còn thấp hơn nhiều so với tốc độ âm thanh 1.234,8 km/giờ.
Tuy vậy, theo ông Scholl, kế hoạch để XB-1 đạt được tham vọng siêu thanh sẽ được triển khai nhanh. “Chúng tôi sẽ thực hiện một loạt chuyến bay – từ 10 đến 15 chuyến – trong vòng 5 – 7 tháng tới để vượt qua rào cản âm thanh lần đầu tiên” – ông Scholl nói.
Thế giới trước đây chỉ từng có 2 máy bay siêu thanh dân sự là Tupolev Tu-144 của Liên Xô và Concorde của Anh – Pháp, trong đó Concorde bay lần cuối cùng vào tháng 10-2003. Giờ đây, ngành công nghiệp hàng không đang sôi động với các dự án siêu thanh, như máy bay X-59 của hãng Lockheed Martin và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).
Theo ông Scholl, sự bùng nổ của kỹ thuật được số hóa đang góp phần thúc đẩy máy bay siêu thanh dân dụng trở lại. Trước đây, việc phát triển Concorde đòi hỏi phương tiện này được thử nghiệm trong đường hầm gió – một tiến trình tốn chi phí và thời gian.
Trong khi đó, Boom Supersonic thử nghiệm thiết kế của mình bằng “đường hầm gió kỹ thuật số” với chi phí ít hơn nhiều so với đường hầm gió thật.
XB-1 cũng có ưu điểm là được chế tạo hoàn toàn bằng vật liệu tổng hợp từ sợi carbon, được lựa chọn vì đặc tính bền và nhẹ. Việc hạ cánh thông qua hệ thống camera và màn hình hỗ trợ gọi là hệ thống thị giác thực tế tăng cường, giúp phi công hạ cánh dễ dàng hơn so với máy bay siêu thanh tiền nhiệm.
Nó cũng chạy bằng động cơ phản lực dùng 100% nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) trong bối cảnh ngành công nghiệp hàng không đang hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo đài CNN, ông Scholl tin rằng máy bay siêu thanh chở khách cuối cùng sẽ trở lại. Ngoài ra, ông cũng kiên định với giấc mơ phương tiện này sẽ giúp mọi người có thể đến bất kỳ đâu trên thế giới trong vòng 4 giờ với chỉ 100 USD.
Trước mắt, công ty này đặt mục tiêu đưa máy bay đầu tiên (gọi là Overture) đi vào hoạt động trước cuối thập kỷ này, chở khoảng 64 – 80 hành khách và bay với tốc độ khoảng 2.100 km/giờ.
Công ty này cũng cho biết đã nhận được đơn hàng và đơn đặt trước của một số hãng hàng không, trong đó có American Airlines, United Airlines (đều của Mỹ) và Japan Airlines (Nhật Bản).