Người phát ngôn của Thủ tướng Hungary, ông Zoltan Kovacs, cho biết trên X (Twitter): “Thủ tướng Viktor Orbán đã đến Kiev sáng nay để thảo luận về hòa bình châu Âu với Tổng thống Volodymyr Zelensky”.
Người phát ngôn nói thêm rằng hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận về các kịch bản đạt được hòa bình, cũng như các vấn đề hiện tại trong quan hệ song phương Hungary – Ukraine.
Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Kiev của Thủ tướng Hungary kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine đầu năm 2022.
Theo tờ Politico, Thủ tướng Orbán – đồng minh thân cận nhất của Nga trong Liên minh châu Âu (EU) – thường xuyên phản đối các sáng kiến của EU nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Ông Orbán là một trong số ít các nhà lãnh đạo châu Âu chưa đến thăm Ukraine kể từ tháng 2-2022 và đã công khai chỉ trích viện trợ tài chính và quân sự của châu Âu cho Kiev.
Sự phản đối của Hungary hồi đầu năm làm đình trệ gói viện trợ 50 tỉ euro (khoảng 53,6 tỉ USD) của châu Âu cho Ukraine trong nhiều tuần. Hungary phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Orbán diễn ra một ngày sau khi Hungary đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU vào ngày 1-7.
Cũng trong ngày 2-7, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk gặp nhau tại TP Warsaw – Ba Lan, trong bối cảnh tìm cách tăng cường hợp tác trước những thách thức an ninh và bất ổn chính trị ở châu Âu.
Cuộc gặp trên tổ chức giữa lúc các nước phải đối mặt với những thách thức an ninh liên quan đến xung đột ở Ukraine và môi trường địa chính trị hỗn loạn, với việc phe cực hữu giành chiến thắng trong vòng bầu cử quốc hội đầu tiên ở Pháp và lãnh đạo châu Âu đang chuẩn bị cho khả năng ông Donald Trump lần nữa giữ chức tổng thống Mỹ.
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Marek Prawda nói với hãng tin Reuters rằng cuộc gặp là “sự mở đầu của cuộc trao đổi trên tinh thần quan tâm đến tương lai”.
Với căng thẳng gia tăng ở biên giới với Belarus và các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào Ukraine thường xuyên dẫn đến việc máy bay NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) phải xuất kích ở Ba Lan, mối lo ngại về an ninh sẽ là vấn đề nổi bật trong chương trình nghị sự ở Warsaw lần này.
Một nguồn tin chính phủ Đức khẳng định: “An ninh và sự gắn kết của Ba Lan trong NATO là cực kỳ quan trọng đối với Đức”.
Nhật báo Sueddeutsche Zeitung của Đức hôm 1-7 đưa tin Berlin sẽ đề xuất gói hỗ trợ bảo vệ biên giới phía Đông Ba Lan.