“Chúng tôi tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev và tập trung vào việc bổ sung kho vũ khí của chính mình như ưu tiên hàng đầu quốc gia” – ông Cameron nói với Sky News hôm 3-5 và nhấn mạnh quan điểm – “Chúng tôi sẽ không cử binh sĩ NATO đến Ukraine vì đó có thể là một bước leo thang nguy hiểm”.
Bộ trưởng Ngoại giao Cameron cũng tiết lộ rằng thời gian qua, Anh đã huấn luyện cho Ukraine gần 60.000 binh sĩ.
Tuyên bố trên được nhà ngoại giao hàng đầu Anh đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu khơi lại cuộc tranh luận về việc liệu liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu có nên cân nhắc tham gia trực tiếp hơn vào cuộc xung đột tại Ukraine hay không.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây một lần nữa nêu khả năng triển khai binh sĩ NATO tới Ukraine.
Lãnh đạo Pháp nói với tờ The Economist rằng việc triển khai binh sĩ NATO tới thực địa Ukraine có thể xảy ra “nếu Nga đột phá tiền tuyến” và “theo đề nghị từ phía Kiev”. Quan điểm của Tổng thống Macron là “Nga không thể giành chiến thắng tại Ukraine”.
Các quan chức cấp cao khác của châu Âu đã đưa ra ý tưởng triển khai quân đội tới Ukraine nhưng chỉ làm nhiệm vụ rà phá bom mìn chứ không tham gia chiến đấu.
“Sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine không phải là điều không thể xảy ra” – Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski nói với các phóng viên hồi tháng 3.
Dẫu vậy, một số nước thành viên NATO, bao gồm Hungary hay Slovakia, đã kiên quyết phản đối.
“Nếu một thành viên NATO triển khai lực lượng bộ binh, đó sẽ là một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO với Nga và sau đó sẽ là Thế chiến III” – Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto nhấn mạnh với đài truyền hình LCI của Pháp hôm 2-5.
Moscow cũng đã nhiều lần cảnh báo Nga sẽ buộc phải tấn công quân đội phương Tây nếu họ tham gia cuộc xung đột.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trên Telegram ngày 3-5 rằng lực lượng NATO sẽ “không còn gì” nếu được điều đến tiền tuyến Ukraine.
Kiev đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chậm trễ trong viện trợ quân sự của phương Tây trong những tháng gần đây, đồng thời đổ lỗi cho tình trạng thiếu đạn dược là nguyên nhân gây ra tổn thất trên chiến trường.
Phó giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Ukraine (GUR) Vadim Skibitsky trong cuộc trả lời phỏng vấn đăng trên The Economist hôm 3-5 lo ngại hệ thống phòng thủ của Ukraine có thể sụp đổ, ngay cả khi các gói viện trợ bổ sung được phê duyệt gần đây đến từ Anh và Mỹ.