Trung Quốc lo ngại giảm sản lượng lúa

CMA cho biết nhiệt độ tại hầu hết khu vực của Trung Quốc sẽ tương đối cao trong vài tháng tới, báo hiệu năm thứ hai liên tiếp có mùa hè nóng cực đoan. Nhiệt độ mùa hè ở các khu vực như Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây… dự kiến cao hơn mức thông thường 1-2 độ C, theo CMA. 

Không chỉ đối mặt các đợt nắng nóng gay gắt hơn và kéo dài hơn, Trung Quốc còn hứng chịu tình trạng mưa lớn không dự báo nổi ngày càng thường xuyên – CMA đều cho là kết quả của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, trong tháng 7 này, dự báo có 2 cơn bão đổ bộ Trung Quốc.

Theo Reuters, nhiệt độ cao kỷ lục hồi tháng trước đã tác động xấu đến các tỉnh trồng lúa trọng điểm ở miền Đông và Tây Bắc Trung Quốc trong khi mưa lớn liên tục từ giữa tháng 6 tới nay làm ngập lụt các đồng lúa và đậu nành ở các khu vực khác. 

Báo South China Morning Post đưa tin sản lượng lúa vụ sớm của Trung Quốc dự kiến sụt giảm, gây áp lực lên mục tiêu chiến lược là bảo đảm an ninh lương thực cho dân số 1,4 tỉ người. Vụ mùa sớm chiếm khoảng 13% tổng sản lượng lúa của Trung Quốc.

 “Sản lượng lúa vụ sớm năm nay có thể sụt giảm do thời tiết mưa ẩm kéo dài, chất lượng cũng đi xuống” – cổng thông tin về nông nghiệp CNGrain cho biết hồi đầu tuần, dẫn chứng tình hình ở các vựa lúa như Giang Tây, Hồ Nam…

Sản lượng lúa hằng năm của Trung Quốc trên đà tăng từ năm 2018, với sản lượng kỷ lục 695,4 triệu tấn vào năm ngoái. Tuy nhiên, mục tiêu duy trì sản lượng hằng năm trên 650 triệu tấn đang bị đe dọa bởi hàng loạt yếu tố, từ mất đất nông nghiệp do đô thị hóa, thiếu nhân lực ngành nông nghiệp tới tình trạng thời tiết cực đoan. 

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Food hồi năm ngoái của một nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc, sản lượng lúa của nước này có nguy cơ giảm 8% vào cuối thế kỷ này do mưa cực đoan.

Không chỉ Trung Quốc, thời tiết cực đoan cũng đe dọa mùa vụ khắp thế giới, từ Nga, Ấn Độ sang tới Mỹ…, gây căng thẳng nguồn cung thế giới và đẩy giá lương thực lên cao.