Trong cuộc phỏng vấn phát trên đài NBC News ngày 5-5, bà McCain bày tỏ hy vọng vào một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza để mọi người có thể bắt đầu được cung cấp thực phẩm nhanh hơn, cùng với nước, điều kiện vệ sinh, thuốc men…
Cũng theo bà McCain, dù chưa có tuyên bố chính thức về nạn đói ở Dải Gaza nhưng dựa vào những gì WFP chứng kiến và trải qua, bà tin rằng cuộc khủng hoảng này đang xảy ra.
Trước đó, người phát ngôn Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) Jens Laerke hôm 3-5 cảnh báo rằng một chiến dịch quân sự trên bộ của Israel tại TP Rafah có thể làm tê liệt hoạt động cứu trợ nhân đạo khắp Dải Gaza. Theo ông Laerke, hiện có khoảng 1,2 triệu người Palestine đang trú ẩn bên trong và xung quanh Rafah.
Lời cảnh báo tương tự cũng đến từ các cơ quan trực thuộc LHQ khác, như Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ông Rik Peeperkorn, đại diện WHO tại Dải Gaza, cho rằng hoạt động quân sự trên bộ ở Rafah sẽ gây ra làn sóng di dời mới, người dân ít được tiếp cận thực phẩm, nước uống và các điều kiện vệ sinh thiết yếu.
Điều đó sẽ làm bùng phát nhiều dịch bệnh hơn. Tình hình an ninh ngày càng xấu đi cũng có thể cản trở nghiêm trọng hoạt động vận chuyển thực phẩm, nước và vật tư y tế vào Dải Gaza.
Ngoài ra, hệ thống y tế vốn đã trở nên quá mong manh sẽ không chịu đựng nổi quy mô tàn phá mà cuộc tấn công có thể gây ra.
Kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas nổ ra vào tháng 10-2023, theo WHO, hiện chỉ có 12 trong số 36 bệnh viện và 22 trong số 88 cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Dải Gaza “hoạt động được một phần”. Trong số này, bệnh viện Najjar ở Rafah đang điều trị hàng trăm bệnh nhân chạy thận.