Theo Live Sicence, Colossal Biosciences – công ty công nghệ sinh học gây chú ý bởi tham vọng hồi sinh các động vật tuyệt chủng – đã lấy thành công tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC) từ voi châu Á, điều góp phần hiện thực hóa giấc mơ đưa ma mút trở lại với cuộc sống.
Tế bào gốc iPSC là các tế bào đã được lập trình lại để có thể tạo thành bất kỳ dạng tế bào nào trong cơ thể.
Nó có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu sự quá trình giúp ma mút lông xoăn được phân biệt với loài voi – họ hàng gần nhất còn sống của chúng – trong con đường tiến hóa cổ xưa.
Các tế bào gốc đặc biệt này sẽ tiết lộ các bước biến đổi di truyền ở cấp độ tế bào đã giúp ma mút phát triển mạnh ở Bắc Cực, tạo ra các đặc trưng bao gồm bộ lông xù xì, ngà cong, mỡ tích tụ và hộp sọ hình vòm.
Chúng cũng mở ra con đường để tạo ra tế bào trứng và tinh trùng, từ đó tạo ra một phôi voi đặc biệt có thể được kết hợp với DNA của ma mút lấy từ các “xác ướp” tự nhiên được tìm thấy ở vùng băng giá.
Đó chính là những thứ cần thiết để hồi sinh một động vật đã tuyệt chủng trong phòng thí nghiệm.
Trước đây, việc tạo ra iPSC của voi khá khó khăn vì loài này có những yếu tố đặc biệt phức tạp về gene mà các loài khác không có.
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu Mỹ đã khắc phục được điều này bằng cách ngăn chặn các gene TP53 điều chỉnh sự phát triển của tế bào và ngăn các tế bào nhân đôi vô thời hạn.
Ngoài giấc mơ ma mút, bước đột phá này cũng có thể làm sáng tỏ bước phát triển ban đầu của loài voi, loài bị nghi ngờ là có liên quan đến sự tuyệt chủng của người họ hàng ma mút.
Theo TS Eriona Hysolli, người đứng đầu các nỗ lực hồi sinh ma mút tại Colossal Biosciences, các đột phá nói trên khiến việc tạo ra phôi ma mút lông xoăn không còn là một thách thức lớn nữa.
Cho dù vậy, các nhà khoa học vẫn còn một chặng đường dài phía trước, trước khi một con ma mút non thực sự ra đời.
Ngoài ma mút, Colossal Biosciences cũng có tham vọng hồi sinh nhiều động vật đã tuyệt chủng khác, ví dụ hổ răng kiếm và một số động vật khổng lồ khác của kỷ băng hà.