Mục tiêu chính của cuộc nghiên cứu là tìm cách giải quyết khối u trước khi chúng bộc phát triệu chứng.
“Ung thư có thể âm thầm phát triển suốt nhiều năm, đôi khi là một hoặc 2 thập kỷ, trước khi tình trạng bệnh đột ngột biểu hiện ở bệnh nhân” – bà Rebecca Fitzgerald, Giám đốc Viện Nghiên cứu ung thư sớm (ECI) của ĐH Cambridge, khẳng định.
Theo chuyên gia này, khối u khi đó đã lan ra khắp cơ thể người bệnh, khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn. “Chúng ta cần thay đổi hướng tiếp cận để phát hiện sớm nguy cơ mắc ung thư dựa trên xét nghiệm quy mô lớn” – bà Fitzgerald cho biết.
Theo trang The Guardian hôm 31-3, ECI đang theo đuổi hướng tiếp cận mới, dựa trên khoảng 200.000 mẫu máu xét nghiệm ban đầu được cung cấp để sàng lọc ung thư buồng trứng. Phân tích chúng, các nhà nghiên cứu phát hiện những thay đổi có thể giúp họ phân biệt nhóm bị chẩn đoán ung thư máu sau 10 năm hoặc thậm chí 20 năm kể từ ngày cung cấp mẫu với nhóm không bị.
“Điều đó cho thấy chúng ta có nhiều cơ hội để can thiệp và đưa ra phương pháp điều trị giúp giảm nguy cơ mắc ung thư” – chuyên gia Jamie Blundell của ECI giải thích.
Dựa trên hướng tiếp cận tương tự, nhóm của ông Harveer Dev, một chuyên gia khác của ECI, đang tìm kiếm giải pháp tốt hơn để xác định người có nguy cơ đối diện hậu quả nghiêm trọng vì ung thư tuyến tiền liệt.
Theo ông Dev, dữ liệu sơ bộ cho thấy xét nghiệm mới dường như hiệu quả hơn nhiều so với xét nghiệm PSA hiện hành nhằm chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Ông đồng thời khẳng định hướng tiếp cận mới có thể đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực “xác định những trường hợp có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt chuyển biến xấu”.
Một phần quan trọng trong chiến lược của ECI là xác định nhóm có rủi ro mắc ung thư, chẳng hạn như người đến từ các gia đình có khuynh hướng di truyền khối u. ECI cũng sẽ tập trung tìm kiếm giải pháp giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, cũng như bảo đảm các phương pháp điều trị được áp dụng rộng rãi.