Ba Lan tiết lộ kế hoạch “khủng” ở biên giới giáp với Nga, Belarus

Kế hoạch có tên Shield-East (Lá chắn phía Đông) bao gồm các biện pháp tăng cường giám sát thiết bị bay không người lái và xây dựng hệ thống công sự dọc theo hơn 700 km đường biên giới với Kaliningrad (vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga) và Belarus (đồng minh thân cận của Nga).

Đây là một phần cơ sở hạ tầng phòng thủ khu vực được xây dựng cùng với các nước cũng nằm ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) (gồm Phần Lan, Estonia, Latvia và Lithuania).

Shield-East dự kiến hoàn thành vào năm 2028 và tiêu tốn khoảng 2,55 tỉ USD của Ba Lan.

Ba Lan khẳng định kế hoạch Shield-East nhằm bảo vệ nước này khỏi các “hành động thù địch xuyên biên giới”, bao gồm ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak Kamysz nói trong cuộc họp báo ngày 27-5: “Mục tiêu của Shield-East là bảo vệ lãnh thổ Ba Lan, cản trở khả năng di chuyển lực lượng của đối phương, đồng thời tăng cường tính cơ động của quân đội Ba Lan và bảo vệ dân thường”.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan giới thiệu: “Shield-East là một hệ thống phức tạp, có thể vừa phòng thủ, vừa mang tính răn đe. Chúng tôi sẽ mua sắm và bố trí các hệ thống trinh sát chống máy bay không người lái hiện đại trên hàng rào phòng thủ”.

Theo báo DW, Ba Lan hy vọng Liên minh châu Âu (EU) có thể hỗ trợ nước này một phần chi phí xây dựng Shield-East. Lý do là củng cố biên giới phía Đông Ba Lan cũng góp phần củng cố sườn Đông NATO trong bối cảnh căng thẳng.

Trong diễn biến khác, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết nước này không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine giữa lúc Kiev chật vật ứng phó đà tiến công của Nga.

Trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 28-5 về việc liệu Ba Lan có sẵn sàng đưa quân đến Ukraine hay không, Bộ trưởng Sikorski nói: “Chúng tôi không loại trừ phương án này. Chúng tôi sẽ để ông (Tổng thống Nga) Putin đoán ý của chúng tôi”.

Tuy nhiên, ông Sikorski không nói rõ liệu lực lượng quân sự Ba Lan có thể đóng vai trò nào ở Ukraine.

Theo hãng tin Reuters, trong khi các nước NATO đồng minh của Ukraine cam kết cung cấp tiền bạc và vũ khí cho Kiev đến chừng nào còn cần thiết để đẩy lùi lực lượng Nga, song nhìn chung đều loại trừ khả năng đưa quân đến nước này.