Vàng nguyên chất nhất thường được gọi là vàng 999, vì nó có hàm lượng vàng lên đến 99,9%. Đôi khi nó còn được gọi là vàng 24 carat.
“Vàng giả đang trở thành vấn đề lớn ở Trung Quốc khi ngày càng nhiều người Trung Quốc muốn trữ vàng tiết kiệm” – ông Shaun Rein, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Trung Quốc, cho biết.
Trung Quốc là quốc gia tiêu dùng vàng thỏi lớn nhất thế giới, sau khi nước này vượt qua Ấn Độ vào năm 2023.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 603 tấn trang sức vàng vào năm ngoái, tăng 10% so với năm 2022.
“Nhu cầu vàng tăng mạnh trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng và nhà đầu tư Trung Quốc không thể phân biệt giữa vàng 24 carat và vàng chất lượng thấp hơn đã dẫn đến tình trạng lừa đảo” – ông Rein nói.
Cảnh báo về các vụ lừa đảo vàng gia tăng đã xuất hiện trên phương tiện truyền thông địa phương và những trang web bảo vệ người tiêu dùng như Heimao Tousu, nền tảng dịch vụ tiêu dùng của gã khổng lồ công nghệ Sina.
Một người tiêu dùng khẳng định đã mua 5 mặt dây chuyền vàng với giá 1.985 nhân dân tệ (khoảng 280 USD) trên nền tảng thương mại điện tử Taobao. Tuy nhiên, sau khi dùng lửa thử vàng, người này mới biết mình đã bị lừa.
Một người dùng khác phàn nàn về việc mua sản phẩm vàng từ nhà bán lẻ trực tuyến Pinduoduo nhưng sản phẩm này lại bị rỉ sét. Người này đưa sản phẩm đến thợ kim hoàn để thẩm định và được cho biết đó là hàng giả.
Taobao và Pinduoduo chưa phản hồi yêu cầu bình luận của CNBC.
Chuyên gia Rein cho biết hàng giả hiện đã xuất hiện tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, từ vàng đến túi xách lậu.