Siêu bão Gaemi tấn công, Đài Loan (Trung Quốc) mênh mông nước

Bão Gaemi đã suy yếu sau khi đổ bộ vào Đài Loan nhưng vẫn có sức gió duy trì tối đa 140 km/giờ gần tâm, gió giật lên tới 215 km/giờ.

Vào sáng 25-7, một tàu chở hàng ngoài khơi Đài Loan và một tàu chở dầu ngoài khơi Philippines bị chìm. Cả hai tàu đều ở vùng biển động.

Cụ thể, Sở cứu hỏa Đài Loan thông báo tàu chở hàng treo cờ Tanzania với thủy thủ đoàn gồm 9 công dân Myanmar chìm ngoài khơi bờ biển thành phố cảng Cao Hùng, phía Nam Đài Loan. Các nỗ lực tìm kiếm vẫn đang được tiến hành.

Trong khi đó, nhà chức trách Philippines đang tìm kiếm một thuyền viên mất tích và chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn vụ tràn dầu lớn.

Tại Đài Loan, ngày 25-7, các trường học, văn phòng và thị trường tài chính tiếp tục đóng cửa ngày thứ hai khi giới chức đánh giá thiệt hại của bão Gaemi.

Cơ quan Thời tiết Đài Loan (CWA) ngày 25-7 cho biết khuyến cáo mưa cực lớn hoặc mưa lớn đã được ban hành tại một số thành phố và quận ở Đài Loan. Điều này có nghĩa là lượng mưa tích lũy trong 24 giờ sẽ vượt quá 500 mm.

Cảnh báo mưa xối xả (có nghĩa là lượng mưa tích lũy trong 24 giờ dự kiến hơn 350 mm hoặc lượng mưa tích lũy trong 3 giờ sẽ lên tới 200 mm) cũng được ban hành tại TP Gia Nghĩa và các khu vực miền núi.

Truyền thông Đài Loan đã chiếu hình ảnh đường phố ngập lụt ở các thành phố và quận trên khắp hòn đảo.

Bão Gaemi hiện hướng về TP Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Các nhà dự báo khí tượng Trung Quốc dự báo bão Gaemi sẽ đi qua tỉnh Phúc Kiến vào cuối ngày 25-7 và đổ bộ vào đất liền, dần dần di chuyển về phía Bắc với cường độ yếu hơn.

Các biện pháp ứng phó khẩn cấp được triển khai và tỉnh Phúc Kiến di dời khoảng 150.000 người, chủ yếu là ngư dân.

Các chuyến bay cũng như dịch vụ đường sắt ở Phúc Kiến đều bị hủy. Bởi vì cơn bão dự kiến sẽ mang theo lượng mưa lớn và gió giật đến các khu vực phía Đông Nam Trung Quốc. Khu vực này vốn đã ngập trong mưa nhiều ngày qua.

Theo ứng dụng theo dõi chuyến bay Variflight, hầu hết các chuyến bay đã bị hủy tại các sân bay TP Phúc Châu, Tuyền Châu ở tỉnh Phúc Kiến cũng như tại TP Ôn Châu ở tỉnh Chiết Giang.

Các quan chức ở TP Chu Sơn (thuộc tỉnh Chiết Giang) đã đình chỉ các tuyến đường thủy chở khách trong tối đa 3 ngày. TP Ôn Châu tạm ngưng hoạt động 49 chuyến phà chở khách.

Đường sắt TP Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) dừng một số chuyến tàu chạy qua các khu vực bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, miền Bắc Trung Quốc cũng đang hứng chịu mưa lớn. Các quan chức tại thủ đô Bắc Kinh ban hành báo động đỏ vào đêm 24-7. Theo tờ Beijing Daily, hơn 25.000 người phải sơ tán.