Định hình giải pháp chính trị

Không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra đề nghị 3 bước nhằm ngừng giao tranh và tiến tới chấm dứt cuộc xung đột hiện tại giữa nhóm vũ trang Hamas và Israel ở Dải Gaza, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết hậu thuẫn đề xuất này.

Nghị quyết của HĐBA có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả thành viên của LHQ. Đây là lần đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát ở Dải Gaza cách đây hơn 7 tháng, HĐBA LHQ thông qua được một nghị quyết về ngừng giao tranh và lại còn bao hàm cả lộ trình tiến tới chấm dứt xung đột. 

Nghị quyết không những thúc đẩy việc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân ở Dải Gaza mà còn đề cập chuyện tái thiết nơi này hậu xung đột.

Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc giải quyết cuộc xung đột Israel – Hamas bởi 3 lý do. 

Thứ nhất, nó chính thức định hình khuôn khổ và lộ trình, nội dung và điều kiện cụ thể của giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột. 

Trước đề xuất nói trên của Tổng thống Biden, đã có một số đề nghị và sáng kiến hòa bình được một số quốc gia ở trong cũng như bên ngoài khu vực Trung Đông và vùng Vịnh đưa ra nhằm ngừng xung đột để tiến hành cứu trợ khẩn cấp thuận lợi và hiệu quả hơn cho người dân ở Gaza. 

Tuy nhiên, tất cả đều không được Israel hoặc Hamas hoặc cả hai bên chấp thuận và không qua được cửa ải HĐBA LHQ để có được sự hậu thuẫn chính trị của cả LHQ.

Thứ hai, nghị quyết không bị thành viên thường trực nào của HĐBA phủ quyết. Trung Quốc bỏ phiếu thuận trong khi Nga bỏ phiếu trắng mặc dù Mỹ là tác giả của nghị quyết này. 

Như thế có nghĩa là từ đây Trung Quốc hay Nga chỉ có thể bổ sung nội dung cụ thể mới cho giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột chứ không thể đi ngược lại nội dung hoặc tinh thần của nghị quyết.

Thứ ba, cả Israel lẫn Hamas đều bị ràng buộc vào trách nhiệm phải tuân thủ các nội dung của nghị quyết đã được HĐBA LHQ thông qua. 

Nói cách khác, nghị quyết này tạo sức ép thật sự, buộc Hamas và Israel phải chấp nhận đi vào thương thảo hòa bình để ngừng bắn, tạo thuận lợi cho cứu trợ nhân đạo và tiến tới chấm dứt hoàn toàn xung đột, đồng thời tính đến tái thiết Gaza. 

Điều này lý giải vì sao Hamas và Israel cho dù không hoàn toàn hài lòng với đề xuất của ông Biden nhưng vẫn phải chấp nhận nó trên danh nghĩa.

Cả hai sẽ trì hoãn đến cùng việc thực hiện đầy đủ nghị quyết này bằng cách kéo dài tiến trình đàm phán về triển khai thực hiện cụ thể. Israel làm vậy vì nội dung nghị quyết không giúp nước này đạt được mục tiêu cao nhất mà họ theo đuổi: Tiêu diệt tận gốc rễ Hamas. 

Hamas cũng sẽ dùng dằng vì nghị quyết không bảo đảm cho nhóm này trở lại cầm quyền ở Dải Gaza như trước khi xung đột.