Tên lửa siêu vượt âm AGM-183A của Mỹ đến Guam

Hình ảnh do không quân Mỹ đăng tải cho thấy các đội bay B-52 tại căn cứ không quân Andersen đang huấn luyện làm quen với tên lửa siêu vượt âm AGM-183A vào ngày 27-2. Tên lửa AGM-183A được gắn bên dưới cánh máy bay ném bom B-52H.

ARRW chủ yếu bao gồm một tên lửa đẩy cỡ lớn và phương tiện lượn siêu vượt âm. Sau khi tên lửa đẩy đầu đạn đến độ cao và tốc độ tối ưu, động cơ và phần mũi sẽ rơi ra, để lộ phương tiện lượn siêu vượt âm. Phương tiện này sẽ đi theo đường bay tương đối thấp đến mục tiêu ở tốc độ siêu vượt âm, tốc độ trên Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh).

Từ những bức ảnh được công bố, không rõ liệu có nhiều hơn một tên lửa được đưa vào huấn luyện hay không. Bởi vì các bức ảnh đều cho thấy một tên lửa duy nhất được gắn bên dưới cánh máy bay ném bom B-52H.

Lực lượng Không quân Mỹ không tiết lộ liệu tên lửa siêu vượt âm AGM-183A có còn ở căn cứ Andersen hay không.

Cho đến nay, lực lượng không quân Mỹ không xác nhận hoặc phủ nhận có kế hoạch phóng ARRW từ đảo Guam. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy Mỹ sắp thử nghiệm loại tên lửa siêu vượt âm. Mỗi oanh tạc cơ B-52 có thể mang tối đa 4 tên lửa ARRW.

Lực lượng không quân Mỹ tuyên bố mục đích đưa tên lửa ARRW tới đảo Guam là để đào tạo làm quen vũ khí.

Lực lượng này từng tuyên bố tương tự trước khi triển khai thử nghiệm ARRW lần gần nhất vào năm 2023 ở sân bay không quân Edwards tại bang California. Khi đó, không quân Mỹ cũng đăng tải những hình ảnh cho thấy số seri của tên lửa là AR-AUR-004.

Các nhà quan sát lưu ý rằng các thông báo cảnh báo công khai cho phi công và thủy thủ có hiệu lực vào cuối tuần trước, úp mở chuyện Mỹ sẽ thử nghiệm loại vũ khí phóng từ trên không trên Tây Thái Bình Dương trong tuần này.

Các khu vực trong phạm vi cảnh báo hợp lại tạo ra con đường kết thúc tại bãi thử Reagan ở Đảo san hô Kwajalein, cách đảo Guam hàng ngàn km về phía Đông. Điều này phù hợp với cơ chế hoạt động của ARRW.

Theo tạp chí Air and Space Forces và trang War Zone, động thái không quân Mỹ tiết lộ AGM-183A ở vị trí tiền phương có thể là một thông điệp gửi tới Trung Quốc. Đó là Mỹ có thể triển khai vũ khí siêu thanh ở Thái Bình Dương.

Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đưa vào biên chế ít nhất một loại tên lửa siêu vượt âm là DF-17. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đang tích cực nghiên cứu nhiều loại tên lửa phóng từ mặt đất, trên không và trên biển khác.

Nga cũng phát triển và đưa vào sử dụng tên lửa siêu vượt âm của riêng nước này. Trong khi đó, giới chức quân sự Mỹ thừa nhận Washington tụt hậu trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm, bao gồm việc phát triển tên lửa siêu vượt âm phóng từ mặt đất và trên biển.