Ngoại giao quà tặng

Ở Vanuatu, những món quà của Trung Quốc là tòa nhà quốc hội, tòa nhà bộ tài chính (xây mới hoàn toàn) và trụ sở bộ ngoại giao (được tu sửa, cải tạo và mở rộng). 

Viện Nghiên cứu Lowy của Úc cho rằng Trung Quốc đã chi ra ít nhất 21 triệu USD cho những món quà này – số tiền rất lớn đối với đảo quốc chỉ có hơn 300.000 dân. Cùng thời điểm, Úc và New Zealand khánh thành một sân bay ở Quần đảo Solomon mà hai nước này chi ra 36,55 triệu USD để xây tặng. 

Cách tiếp cận này giống nhau ở chỗ dùng quà tặng để mở đường và làm bền chặt quan hệ song phương. Với những đảo quốc nhỏ này, đầu tư khoản tiền không lớn làm quà tặng có thể đem lại hiệu ứng tích cực lớn. 

Ngoài ra, việc ganh đua ảnh hưởng bằng chính cách thức mà đối thủ sử dụng đã được thực tế chứng minh là đặc biệt đắc dụng. 

Trung Quốc tìm kiếm thỏa thuận hợp tác chính trị, quân sự, quốc phòng và an ninh với các đảo quốc thì Mỹ, Úc và New Zealand cũng vậy. Trung Quốc thực thi “Ngoại giao quà tặng” – đối với Trung Quốc không phải là chuyện mới mẻ vì họ đã triển khai từ lâu và rất thành công ở nhiều nơi, đặc biệt là châu Phi, Trung và Nam Mỹ – thì Úc và New Zealand làm tương tự.

Sự khác biệt đáng kể duy nhất nằm ở giai đoạn tiếp theo những món quà tặng này. Úc và New Zealand cho đến nay không bị mang tiếng là tăng cường hợp tác để rồi các đối tác của họ bị sa vào “bẫy nợ” như Trung Quốc. 

Trung Quốc luôn bác bỏ nhưng không thể xua tan hoàn toàn sự mang tiếng này. Con chủ bài của Úc và New Zealand là viện trợ cho các đảo quốc nhỏ, viện trợ chứ không cho vay.

Trong cuộc cạnh tranh hiện nay, các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương ý thức được và tận dụng tối đa lợi thế từ vị trí địa lý của họ, từ tầm quan trọng của họ đối với chính sách và chiến lược của các đối tác bên ngoài. 

Bên ngoài càng ganh đua thì họ càng có giá. Họ đều chơi con bài đối trọng và chủ trương cân bằng quan hệ. Đối với họ, Trung Quốc hay Mỹ, Úc hay New Zealand đều không quan trọng và quyết định bằng hợp tác với đối tác nào có lợi nhất. 

Các đối tác bên ngoài muốn tranh thủ các đảo quốc nhỏ cho cuộc chơi địa chính trị lâu dài ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, còn các đảo quốc muốn nhận lại những lợi ích thiết thực hiện tại. Người đi săn nhiều khi không biết đã trở thành kẻ bị săn từ khi nào. 

Cũng chính vì thế mà các đảo quốc tuy nhỏ và nghèo nhưng các đối tác lớn và giàu như Trung Quốc hay Úc không dễ dàng chinh phục.