Giúp Israel đỡ đòn Iran xong, các nước Ả Rập im hơi lặng tiếng

Tuy nhiên, phản ứng của Israel sẽ thử thách độ bền chặt của liên minh không chính thức này, trong đó có Ả Rập Saudi, Jordan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) – theo nhận định của giới chuyên gia với NBC News.

“Những quốc gia Ả Rập này đang trong tình thế rất khó. Không có phương án dễ dàng cho họ, nhất là Jordan, quốc gia bị kẹt giữa Israel và Iran vì vị trí địa lý” – chuyên gia Oraib Al Rantawi của Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Al Quds (Jordan) nói.

Sau khi Mỹ, Anh, Israel và Jordan bắn hạ gần như toàn bộ tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định chiến dịch phòng ngự phối hợp này là “một thành công vang dội về mặt quân sự”.

Tuy nhiên, không một đối tác nào của Mỹ ở Trung Đông đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ như trên. Hầu hết những quốc gia này thậm chí còn chẳng lên tiếng về vụ tấn công, ngoại trừ Jordan – với tuyên bố sẽ tự vệ trước mọi mối đe dọa đối với chủ quyền và không phận của họ, kể cả mối đe dọa đến từ Israel.

Đây là một trong số tuyên bố ít ỏi được giới chức Jordan đưa ra để thể hiện vai trò của nước này.

Israel có thể đánh giá cam kết của Jordan trong thời gian tới, khi Israel trả đũa Iran (nếu có).

Trong số 3 quốc gia Ả Rập hỗ trợ Israel phòng thủ, Jordan là quốc gia duy nhất có chung đường biên giới với Israel và cũng là quốc gia duy nhất tham gia chiến dịch trên không nhằm đánh chặn UAV.

Trong khi đó, Ả Rập Saudi và UAE chia sẻ thông tin tình báo về kế hoạch của Iran với Mỹ, theo The Wall Street Journal.

UAE bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel cách đây 4 năm. Ả Rập Saudi cũng chuẩn bị làm điều tương tự cho đến khi tiến trình đàm phán bị cản trở bởi cuộc tấn công nhằm vào Israel của nhóm vũ trang Hamas hôm 7-10-2023.

Ả Rập Saudi và UAE “phụ thuộc nặng nề vào phương Tây” – chuyên gia Tanahi Mustafa của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG – Bỉ) khẳng định. “Ả Rập Saudi muốn có hiệp ước an ninh với Mỹ. Cho đến khi đạt được mục tiêu, Ả Rập Saudi sẽ nỗ lực để duy trì quan hệ tốt đẹp với Mỹ” – ông nói thêm.

Theo ông Mustafa, việc Jordan trực tiếp tham gia chiến dịch quân sự bảo vệ Israel cũng cho thấy sự lệ thuộc của quốc gia này vào viện trợ kinh tế cũng như ngoại giao của Mỹ và Israel.

Mặc dù có dân số gồm khoảng 50% người tị nạn Palestine, Jordan trở thành quốc gia Ả Rập thứ hai công nhận Israel vào năm 1994.

Sự phụ thuộc của họ đối với phương Tây thậm chí còn sâu rộng hơn: Lãnh thổ Jordan rải rác căn cứ quân sự Mỹ, Anh và Pháp trong khi nền kinh tế của họ chủ yếu dựa vào viện trợ nhân đạo và quân sự.

Chính phủ Jordan cũng đã ký một thỏa thuận quốc phòng vào năm 2021, về cơ bản cho phép quân đội Mỹ tự do sử dụng đất và không phận Jordan. “Tôi không nghĩ Jordan có nhiều lựa chọn ngoài việc đi theo chiều gió” – ông Mustafa nói.

Dù vậy, quyết định gia nhập “liên minh” Mỹ có thể cản trở mong muốn của chính phủ Jordan về việc thu hẹp khoảng cách giữa đường lối chính sách và quan điểm của người dân, ông Rantawi khẳng định, đồng thời đề cập việc người dân Jordan không ngừng chỉ trích chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza.

Mọi sự chú ý đang hướng về Israel. Đáp trả quân sự theo kiểu “ăn miếng trả miếng”, Israel có nguy cơ khiến dư luận xa lánh, kể cả ở những đối tác Trung Đông mà họ phải trải qua nhiều khó khăn mới giành được – chuyên gia Ghaith al-Omari của Viện nghiên cứu Chính cách Cận Đông Washington (Mỹ) nói.

“Mọi chuyện có thể trở nên phức tạp hơn rất nhiều nếu Israel trả đũa Iran qua không phận của Jordan” – ông al-Omari nhận định.