QUAN SÁT VÀ BÌNH LUẬN: Quyết sách mới của NATO

Những chủ đề nổi bật nhất tại hội nghị vừa diễn ra trong tuần này là xung đột Nga – Ukraine, đối phó Nga và Trung Quốc, vai trò và ảnh hưởng chính trị an ninh của NATO ở châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cuộc gặp gỡ cấp cao này còn được sử dụng để NATO kỷ niệm 75 năm ngày thành lập.

Mỹ là thành viên chủ chốt và trụ cột của NATO. Cuộc gặp cấp cao năm nay và lễ “sinh nhật” lần thứ 75 của NATO do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì. Không cần đề cập sâu hơn cũng có thể thấy bối cảnh chính trị an ninh thế giới hiện tại nhạy cảm và nguy hiểm, đầy thách thức và phức tạp như thế nào đối với NATO. 

Vậy mà chính Mỹ lại là thành viên khiến NATO lo ngại nhiều nhất. Cụ thể ở đây là vấn đề sức khỏe của ông Joe Biden và khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại cầm quyền sau cuộc bầu cử cuối năm nay.

Ông Trump là người rất khó hợp tác đối với NATO và không mặn mà với vai trò truyền thống của Mỹ là dẫn dắt NATO. Trong khi đó, ông Biden được coi là nhà lãnh đạo rất coi trọng NATO và toàn tâm toàn ý với khối này. 

Do đó, NATO thấy cần phải tận dụng thời gian ông Biden còn cầm quyền để hoạch định những quyết sách mới, đặt ông Trump trước những sự đã rồi mà nếu ông có trở lại cầm quyền thì cũng không thể đảo ngược được.

Ở cuộc gặp cấp cao vừa qua, NATO không bàn đến việc tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine, không thảo luận về việc có thể kết thúc cuộc khủng hoảng này thế nào mà chỉ bàn thảo vấn đề tiếp tục hỗ trợ Ukraine ra sao. 

Nước này được NATO cam kết viện trợ 43 tỉ USD và hứa hẹn chắc chắn được gia nhập NATO vào thời điểm nào đó trong tương lai. NATO quyết định từ nay trực tiếp điều phối viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine, đồng thời cung cấp thêm một số hệ thống phòng không cho nước này.

Trong tuyên bố chung của cuộc gặp, NATO đưa Trung Quốc, Triều Tiên và Iran vào vòng ngắm. NATO đã mời Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand tham dự cuộc gặp cũng như ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tiên với một quốc gia ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Hàn Quốc). 

Những động thái này thể hiện rất rõ định hướng và tham vọng của NATO vươn tới khu vực trên, đối phó trực tiếp Trung Quốc và Triều Tiên tại đây. Đấy cũng có thể coi là câu trả lời của NATO cho việc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) thu nạp Belarus. Quốc gia này vừa cùng Trung Quốc tập trận chung lần đầu tiên ở ngay cạnh NATO và Ukraine.

Để tránh bị nhìn nhận là một quyết sách mới và tránh cho NATO bị mang tiếng là khôi phục chiến tranh lạnh ở châu Âu, Mỹ và Đức công bố thỏa thuận về việc Mỹ lại triển khai tên lửa tầm xa ở Đức. Mỹ trấn an và củng cố đồng minh ở châu Âu trong khi các đồng minh này muốn ràng buộc Mỹ chắc chắn hơn vào các cam kết bảo đảm an ninh cho đồng minh. 

Có thể thấy qua cuộc gặp cấp cao năm nay là NATO đang gây dựng thời kỳ tồn tại mới, theo đuổi tham vọng quyết định trật tự chính trị – an ninh ở châu Âu và dần trở thành một liên minh quân sự toàn cầu.