Trong cuộc trò chuyện, họ cũng đề cập một vấn đề thời sự đang được dư luận chú ý, đó là đề án nâng cao tầm thể lực cho người VN. Sở dĩ bàn chuyện này vì thực tế 2 ngành y – thể có mối quan hệ hỗ tương khá mật thiết và theo nhận xét của các thầy thuốc, chuyện nâng cao tầm thể lực được quyết định bởi 3 yếu tố căn bản: di truyền, chế độ dinh dưỡng và tập luyện TDTT, cho nên nếu xét trên yêu cầu chung thì ngành y hay thể thao ai làm cũng được (cho dù đây là đề tài do Viện Khoa học TDTT khởi xướng). Song nếu cặn kẽ mà nói như ý kiến của GS-TS Lê Văn Lẫm, một nhà khoa học hàng đầu về TDTT, việc này nên trao cho y khoa, vì ngành này có đủ điều kiện chuyên môn và giàu thực lực. Hơn nữa, đề tài này cũng có nhiều vấn đề liên quan đến việc phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, vừa được Nhà nước giao 16 tỉ đồng cho ngành y thực hiện trong năm 2006.
2. Quanh chuyện nâng cao thể lực, đặc biệt là đối với thể thao, các thầy thuốc đều đồng tình nhận xét rằng dường như do dinh dưỡng chưa đủ tầm, kèm theo thể trạng kém nên các VĐV VN thường thua thiệt trong những cuộc tranh tài đỉnh cao quốc tế. Theo các thầy thuốc, tập luyện thể thao đúng bài bản và có chế độ dinh dưỡng tốt tức là tỉ lệ thuận với việc nâng tầm thể lực. Nhưng ở VN, hai mặt này ít khi song hành cùng nhau do việc các nhà quản lý, chuyên môn mãi chạy theo thành tích. Từ đó mới hiểu vì sao chấn thương (thường là chấn thương nặng) trong thể thao trở thành chuyện thường ngày của VĐV. Nhưng dường như lúc ấy, những hệ quả bệnh lý lâu dài về sau hiếm khi được ngành thể thao nhìn nhận là trách nhiệm của mình mà thường đẩy cho ngành y giải quyết…